Thông qua Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo
(GDVN) - Phát triển những kết quả đã đạt được tại Hội nghị Trung ương 6, Hội nghị lần này đã thảo luận và nhất trí ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế
So với Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, Nghị quyết của Hội nghị lần này đã kế thừa, bổ sung, phát triển nhiều nội dung đổi mới về nhận thức, tư duy, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.
Về nhận thức, Trung ương cho rằng, đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục-đào tạo cùng các cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm việc thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến đổi mới các cơ sở giáo dục- đào tạo và sự tham gia của gia đình, cộng đồng xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học, ở cả Trung ương và địa phương.
Đổi mới căn bản và toàn diện không có nghĩa là làm lại tất cả từ đầu mà phải kế thừa, phát triển những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đúng đắn, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm tốt đã có, đồng thời bổ sung những quan điểm, tư tưởng mới, kiên quyết chấn chỉnh những lệch lạc, những việc làm trái quy luật, phát triển những nhân tố mới.
Đổi mới phải đảm bảo tính hệ thống, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học, có tầm nhìn dài hạn, các giải pháp đồng bộ, khả thi, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp.
Về mục tiêu của đổi mới lần này, Trung ương chỉ rõ, phải tạo cho được chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục-đào tạo; khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả.
Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương pháp giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng. Hệ thống giáo dục và đào tạo được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và mang đậm bản sắc dân tộc.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, phải thực sự coi giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét