Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

Cuộc xung đột đa chiều tại Yemen 

Bất ổn gia tăng ở Yemen trong những ngày gần đây làm dấy lên quan ngại không chỉ đối với khu vực mà còn trên toàn thế giới. Tình hình Yemen đang ngày một nóng lên, đe dọa trực tiếp đến an ninh của khu vực vốn từ lâu đã như "thùng thuốc súng", chỉ chờ một mồi lửa nhỏ là có thể bùng phát.



 
Các cuộc xung đột tại Aden ngày 7/4/2015 (Ảnh: AFP)


Cuộc xung đột sắc tộc và tranh giành quyền lực
Căng thẳng tại Yemen leo thang kể từ sau khi quân nổi dậy Houthi đánh chiếm thủ đô Sanaa hồi tháng 9/2014. Houthi là nhóm vũ trang nổi dậy, còn được biết đến với tên gọi Ansar Allah, theo dòng Hồi giáo Shia Zaidi. Người theo dòng Hồi giáo này chiếm 1/3 dân số Yemen và đã kiểm soát miền Bắc Yemen trong gần 1.000 năm cho đến năm 1962.
Kể từ mùa hè năm 2014, nhóm vũ trang này đã dẫn đầu nhiều cuộc biểu tình lớn, đặc biệt là tại Sanaa, nhằm đấu tranh chống tham nhũng và giá xăng dầu tăng cao. Điều đặc biệt là trong những khẩu hiệu được đưa ra, các phần tử Houthi thể hiện là những người bảo vệ các giá trị của cuộc cách mạng năm 2011 (dẫn đến việc lật đổ Tổng thống Ali Abdullah Saleh) mà Houthi từng tham gia. Đối với các phần tử nổi dậy này, đương kim Tổng thống Hadi (hiện đang lưu vong ở Saudi Arabia) và cựu Tổng thống trong gần 20 năm trước đó là một phần của chế độ cũ là những đối tượng phải được "xử lý". Không những thế, Houthi còn mang mối hận thù đặc biệt đối với tướng Ali Mohsen, người anh em của cựu Tổng thống Saleh, người đã thực hiện cuộc chiến chống lại họ ở miền Bắc từ năm 2004 đến năm 2010. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà Amran, cách Sanaa khoảng 50km, lại là chốt quân sự đầu tiên mà Houthi muốn kiểm soát vì thành phố này được tổ chức bởi một trong những chỉ huy trung thành với Ali Mohsen.
Trên thực tế, cuộc nổi dậy hòa bình của các phần tử Houthi sớm biến thành cuộc đấu tranh vũ trang. Tham gia vào Hội nghị Đối thoại Quốc gia, Houthi cho rằng, họ không có nhiều đại diện và phản đối hệ thống liên bang được ủng hộ trong Hiến pháp mới cần được thông qua. Trong các khu vực mới của liên bang gồm 6 vùng chính, Houthi nhìn thấy lãnh thổ của họ bị giảm đáng kể, chỉ còn khu vực của Saada và Hadja và không có lối thoát ra biển. Vì vậy, Houthi đã tiến quân lên thủ đô và giành quyền kiểm soát Sanaa vào ngày 21/9/2014.
Trong suốt quá trình tiến quân nổi dậy của Houithi, có thể nhận thấy sự hậu thuẫn ngầm từ phía cựu Tổng thống Saleh. Ông Ali Abdullah Saleh, người vẫn ấp ủ ước mơ quay trở lại nắm quyền lực, đã ngấm ngầm hành động thông qua các đơn vị quân đội trung thành với ông. Ngoài ra, ông Saleh đã đưa một số anh chị em họ và con trai đầu vào các đơn vị này. Vì vậy, nhờ vào hành động tiếp tay này mà Houthi đã có thể nắm được Sanaa và sau đó đã buộc đương kim Tổng thống Hadi phải ký một thỏa thuận bảo đảm tăng đại diện của họ trong các cuộc đối thoại quốc gia. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, Houthi chiếm tất cả các phòng ban và làm tê liệt chính phủ. Hai tháng sau, Tổng thống Hadi buộc phải từ chức, bị quản thúc tại nhà và Quốc hội bị giải thể. Trong quá trình này, các phần tử Houthi đã tạo ra một Hội đồng Cách mạng.
Có thể thấy rằng, Houthi đã bị cựu Tổng thống Saleh ngầm thúc đẩy để lún sâu hơn vào cuộc phiêu lưu quân sự này. Đầu tiên, được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh, Houthi đã chiếm Taiz, thành phố lớn thứ 3 của Yemen và sân bay của thành phố này. Việc kiểm soát Taiz sẽ cho phép quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Saleh siết chặt vòng vây nhằm vào ông Hadi. Sau đó, Houthi tiến đến Mokha, rồi chiếm giữ Annat và tấn công miền Nam. Không thể phủ nhận rằng, Houthi thực sự muốn tuyên bố quyền lực trên khắp Yemen.
Cuộc chiến giành ảnh hưởng ở khu vực và mối đe dọa khủng bố
Thực tế cho thấy, mọi kế hoạch đàm phán hòa bình giữa Houthi và lực lượng trung thành với Tổng thống Hadi kể từ đó tới nay đều thất bại, dù trung gian hòa giải có là Liên đoàn Ả Rập hay Liên hợp quốc. Tình hình căng thẳng tới mức, bắt đầu từ ngày 25/3, Liên minh hỗ trợ Tổng thống Hadi, gồm 10 nước Arập do Saudi Arabia dẫn đầu, đã bắt đầu tiến hành không kích để hỗ trợ và ngăn chặn quân Houthi tiến về phía Nam, chiếm nốt thành phố Aden, nơi mà ông Hadi sau khi về đây lánh nạn đã tuyên bố là thủ đô tạm thời của Yemen. 4 ngày sau khi tiến hành không kích quân Houthi, Liên đoàn Ả Rập, ngày 29/3, thông báo thành lập lực lượng liên minh nhằm đối phó với những mối nguy lớn mà các quốc gia Ả Rập đang phải đối mặt.
Đối với Saudi Arabia, Ai Cập và các đồng minh, việc Houthi tiến tới Aden là sự khiêu khích thái quá. Ý tưởng về việc có một đồng minh của người Shiite Iran trên mặt trận phía Nam, trong đó sẽ kiểm soát eo biển Bab el-Mandeb, là điều không tưởng. Ngoài ra, Saudi Arabia đã có tất cả các luận cứ cần thiết: 1 Tổng thống hợp pháp được cộng đồng quốc tế công nhận đang bị lâm nguy, biểu tình chống Houthi ở các thành phố lớn... Không những thế, vương quốc Ả Rập cũng lo ngại Houthi tràn vào biên giới của mình như đã từng xảy ra trong năm 2009. Đó là còn chưa kể đến mối quan ngại về nguy cơ nổi dậy của chính nhóm dân tộc thiểu số dòng Shiite tại bản địa.
Trong khi đó, cũng thấy rõ nguy cơ các phần tử thánh chiến al-Qaeda trên bán đảo Ả Rập (AQAP) đã có cơ hội để mở rộng ảnh hưởng... Các mối đe dọa của AQAP không phải là mới. Năm 2011, các phần tử, cũng được gọi là Ansar al-Sharia, đã chiếm giữ một phần lãnh thổ của tỉnh Abyan, không xa Aden. Hiện nay, các chiến binh thánh chiến al-Qaeda chủ yếu hiện diện trong các khu vực tồn tại cuộc đối đầu với các phần tử Houthi, bao gồm cả các khu vực của Radaa và Bayda. AQAP cũng thường xuyên tấn công căn cứ quân sự ở Hadramout. Rõ ràng, họ tận dụng lợi thế của sự bất ổn và hỗn loạn tại đây để phát triển. Song song với đó, đã có một sự leo thang đáng lo ngại giữa các nhóm thánh chiến với sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Sự hỗn loạn ở Yemen đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố phát triển.
Không thể phủ nhận rằng, tình hình tại Yemen hiện nay còn phức tạp hơn một cuộc chiến tranh giáo phái. Nó không chỉ dừng lại ở cuộc nội chiến giữa các phe cánh sắc tộc, mà còn là cuộc đấu tranh phân cực xung quanh khu vực, trong đó có tính đến yếu tố chính trị. Chiến dịch không kích quân nổi dậy Houthi của Liên minh các quốc gia Ả Rập, mà đứng đầu là Saudi Arabia được xem như cuộc “chiến ngầm” giữa Saudi Arabia và Iran. Saudi Arabia luôn tự cho mình là người đứng đầu giáo phái dòng Sunni, còn Iran chỉ là một nhà lãnh đạo khu vực dòng Shiite. Nguồn gốc mâu thuẫn giữa hai dòng giáo phái này đã có từ rất lâu, nếu Iran có phản ứng mạnh mẽ đối với lần không kích thì quy mô của cuộc xung đột rất có thể sẽ mở rộng ra toàn bộ khu vực. Chiến dịch không kích lần này là một cuộc chơi không không khoan nhượng giữa Saudi Arabia và Iran. 

Nội chiến chưa dừng lại, nếu thêm cả ngoại chiến thì Yemen sẽ còn đắm chìm lâu dài trong chiến sự và bạo lực, mất an ninh và ổn định. Cả hai phe ở trong và hai phía bên ngoài Yemen đều đang hủy hoại hiện tại và tương lai của chính quốc gia vốn đã luôn nghèo khó này. Không những thế, tình hình bất ổn còn làm dấy lên quan ngại về an ninh ở khu vực. Sau 1 ngày Saudi Arabia phát động chiến dịch không kích Yemen, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã tăng 5%. Nếu chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt hay Saudi Arabia thất bại trong không kích và buộc phải đổ quân vào đây, thì trong thời gian tới, giá dầu sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét