Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Người Việt từng ở 'bên kia lằn ranh' ba lần đến thăm Trường Sa

Việc đến rồi trở lại quần đảo dù đã ở tuổi 70 dường như là một cách để ông Nguyễn Phương Hùng, bang California, bù đắp lại khoảng thời gian "đứng bên kia lằn ranh" hơn 40 năm qua.

nguoi-viet-tung-o-ben-kia-lan-ranh-ba-lan-den-tham-truong-sa
Ông Nguyễn Phương Hùng trên đảo Sơn Ca. Ảnh: Việt Anh
"Trước năm 1975, tôi là Thiếu úy Binh chủng Biệt động quân của Việt Nam Cộng hòa. Vào ngày 30/4, tôi được Ban liên hợp quân sự 4 bên đưa sang Mỹ", ông Hùng chia sẻ với VnExpress trong chuyến thăm Trường Sa mới đây.
Chỉ có một mình, ông Hùng bắt đầu cuộc sống mới bằng việc làm lao công cho TDK, một hãng chuyên làm băng nhựa của Nhật Bản, công việc kéo dài từ 24h đến 4h sáng. Khoảng thời gian từ 18h đến 22h, ông theo học chuyên ngành công nghệ thông tin hệ cử nhân. Sau khi tốt nghiệp, ông Hùng trở thành lập trình viên cho một số hãng lớn của Mỹ, trong đó có Boeing, rồi tiến tới mở công ty phần mềm riêng mang tên Hung Sofware Development. Với khá nhiều tài liệu sưu tầm được từ một số người Mỹ, năm 1990, ông Hùng lập ra trang tin KBC Hải ngoại.
Đến năm 1995, khi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton xóa bỏ lệnh cấm vận và tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, ông Hùng manh nha ý nghĩ thay đổi quan điểm. Tuy nhiên, phải đợi đến đầu năm 2011, ông mới có cơ hội thực hiện điều đó.
Qua một số người trung gian, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco Nguyễn Bá Hùng năm ấy mời ông Hùng tới dự tiệc, dù từ chối nhưng ông Phương Hùng đã đề xuất phỏng vấn ông Bá Hùng về những công việc đã làm khi là tổng lãnh sự.
Sau buổi đó, ông Hùng lại nhận được một lời nhắn khác mời về Việt Nam tham dự đại hội truyền thông đầu tiên dành cho các nhà báo hải ngoại vào tháng 9/2011 và ông đã nhận lời.
"Khi nghe giọng nữ tiếp viên thông báo máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, tôi bỗng nhiên không kìm được hai dòng nước mắt, dù đã mím chặt môi", ông Hùng nhớ lại. 
Ông cứ khóc như thế từ lúc đó cho đến khi bước vào khu vực của hải quan. Ông nhận ra mình xa quê hương đã quá lâu, và tự nhủ "Đất nước chỉ có một, giờ đây đã thống nhất, vì sao mình cứ ôm mãi sự hận thù". 
Rồi Hà Nội dần hiện ra trước mắt, đây là lần đầu tiên ông trở lại miền Bắc sau 48 năm. Ông rời quê Bắc Giang khi mới hai tuổi và rời Hà Nội lúc 9 tuổi. Ông cũng bất ngờ trước cảnh xe cộ tấp nập và phố xá khang trang. Nhìn những người Việt hiền hòa, thân thiện, ông tự nhủ: "Không phải những người mắt xanh da trắng nữa, sao tôi lại bỏ đi mấy chục năm trời". 
Năm đó cũng chính là dịp ông Hùng có cơ duyên "xin được một suất" đi thăm Trường Sa lần đầu tiên. Trao đổi với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài lúc đó, ông Hùng thẳng thắn bày tỏ mục đích của ông là gửi thông điệp cho cộng đồng ở hải ngoại rằng "Trường Sa vẫn còn đây". Nếu ông không được đi thì tất cả mọi người và cả bản thân ông sẽ vẫn có một câu hỏi lớn.
Đến gần cuối tháng hai năm 2012, ông Hùng nhận được thông báo ngày 18/4 đoàn thăm Trường Sa sẽ xuất phát, ông lập tức khăn gói lên đường. Khi trở lại Mỹ, ông đã cho đăng tải rất nhiều đoạn video về các đảo, điểm đảo của Việt Nam, về cuộc sống của các chiến sĩ và người dân nơi đây. Ước tính lúc đó có khoảng hai triệu người Việt theo dõi các tin tức này.
"Có những người nói các hình ảnh tôi đưa ra là bị dàn dựng, nhưng sau khi tôi ra Trường Sa lần thứ hai cùng bà xã là ca sĩ Lệ Hằng vào 2013 thì hầu như không còn ai nói điều đó nữa. Làm sao có thể dàn dựng trong chuyến đi có đến hơn 200 Việt kiều từ các nước khác tham gia", ông Hùng cho hay.
Và hơn cả mong đợi, năm 2013 ông Hùng vui mừng khôn xiết khi nhận được khoản tiền 8.300 USD do độc giả gửi đến, nhờ chuyển ra Trường Sa để xây xá lợi Phật. Năm nay, ông tiếp tục chuyển 23 triệu đồng của độc giả tới Quỹ vì Trường Sa.
Có ba người con đã trưởng thành, con trai cả là cảnh sát, con gái thứ là quản lý của Công ty Noadstrom, con trai út làm chủ ba hãng vận chuyển hàng hóa, ông Hùng đến giờ vẫn say mê công việc "one cameraman", tức là tổng biên tập kiêm phóng viên duy nhất của trang tin.
Các thông tin về chuyến thăm Trường Sa của gần 80 Việt kiều từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ giữa tháng 4 vừa qua lại tiếp tục được ông đăng tải trên trang tin này.
"Tôi nhận thấy mối quan tâm lớn hiện nay của người Việt trong cộng đồng là muốn chấm dứt hận thù, họ đặt vấn đề rằng nếu không làm được gì cho đất nước thì tập trung làm kinh tế. Trong khi hầu hết các thanh niên gốc Việt ở Mỹ hiện cũng không bận tâm đến quá khứ nữa", ông Hùng nói
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét