CHÍNH TRỊ TINH THẦN - ƯU THẾ TUYỆT ĐỐI,
NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH THẮNG LỢI
CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC
Nguyễn Đức Rinh
Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ…chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 một lần nữa khẳng định sức mạnh vô địch Việt Nam, sức mạnh của truyền thống đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh của tinh thần, khí phách Việt Nam. Lịch sử chiến tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam đã để lại cho chúng ta một trong những bài học sâu sắc: Chúng ta thường hạn chế về vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự so với kẻ thù nhưng nhờ xây dựng và phát huy được nhân tố chinh trị tinh thần nên chúng ta đã giành chiến thắng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trước kẻ thù có ưu thế vượt trội so với ta cả về kinh tế, khoa học công nghệ, vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự thì chính trị tinh thần lại là nhân tố ưu thế tuyệt đối thuộc về nhân dân ta, quân đội ta. Chính Mắc- Na- Ma- Ra nguyên Bộ trưởng quốc phòng của hai đời Tổng thống Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam đã phải ngậm ngùi thừa nhận khi nhìn lại thất bại của Mỹ ở Việt Nam: Mỹ đã thất bại vì không hiểu gì về lịch sử , truyền thống và văn hoá Việt Nam, thất bại vì chưa đánh giá đúng vai trò nhân tố chính trị tinh thần của nhân dân Việt Nam.
Nhân tố chính trị tinh thần không phải được hình thành một cách ngẫu nhiên mà nó là sản phẩm của truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm, của tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc và tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc; của lý tưởng, niềm tin độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân tố đó không chung chung, trừu tượng mà được biểu hiện cụ thể qua tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường; biểu hiện qua niềm tin chiến thắng, ý chí dám đánh, biết đánh, quyết đánh và quyết thắng của quân đội ta, nhân dân ta. Nó là chất keo dính, là yếu tố đặc biệt quan trọng để phát huy sức mạnh của các nhân tố khác góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, bảo đảm cho chúng ta giành chiến thắng.
Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước khi tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch có sự chênh lệch lớn về nhiều mặt mà ưu thế thuộc về kẻ thù, bạn bè quốc tế có người đã nghi ngại đặt câu hỏi: Việt Nam có bao nhiêu sư đoàn, bao nhiêu máy bay, tàu chiến, xe tăng, pháo hạng nặng? Nền kinh tế Việt Nam so với kinh tế Mỹ bằng bao nhiêu phần trăm…? để từ đó ngầm khuyên ta không nên đánh Mỹ mà hãy tập trung sức để xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Nhưng với tinh thần độc lập tự chủ, ý chí : “Không có gì quý hơn độc lập tự do”; từ quan điểm sức mạnh tổng hợp, nhận rõ ưu thế về mặt chính trị tinh thần Đảng ta khẳng định tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Miền Nam.
Đường lối đó thể hiện niềm tin sắt đá của toàn Đảng, toàn Dân, toàn quân ta vào thắng lợi cuối cùng và tương lai tươi sáng của dân tộc như Hồ Chủ Tịch đã tiên đoán: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” “Nhân dân Việt Nam nhất định thắng! Giặc Mỹ nhất định thua”[1]
Trên cơ sở phân tích một cách khoa học các yếu tố, qua thực tiễn của các trận Ấp Bắc, Vạn Tường, Đảng ta khẳng định: chúng ta có thể thắng Mỹ. Đây chính là cơ sở để xây dựng tinh thần dám đánh Mỹ cho nhân dân ta, quân đội ta từ đó tạo ra phong trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; cũng từ đây ý chí “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” lại được khơi dậy và phát huy làm tiền đề, cơ sở cho việc nâng cao ý thức, trách nhiệm chính trị của toàn quân, toàn dân, làm cho mọi người có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm nặng nề, vinh dự lớn lao trong thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.Cũng từ đây ý chí quyết đánh Mỹ được hun đúc tạo thành cao trào: “Tìm nguỵ mà đánh, tìm Mỹ mà diệt” với quyết tâm; “1 thắng 20”, “còn cái lai quần cũng đánh”.
Kế thừa truyền thống của dân tộc: “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn”, “Lấy nhỏ đánh lớn”, với tinh thần “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”; trước một kẻ thù có quân đội nhà nghề, có tiềm lực hơn hẳn ta về nhiều mặt, quân và dân ta đã tìm cho mình cách đánh phù hợp đó là tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; kết hợp 2 chân, 3 mũi, 3 vùng: kết hợp giữa lực lượng chính trị với lực lương quân sự, kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao, đánh địch cả ở miền núi, nông thôn và đô thị; giương cao ngọn cờ chính nghĩa, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại…Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nghệ thuật quân sự Việt Nam có bước phát triển rực rỡ cả về chiến thuật, chiến dịch, chiến lược; cả trong tạo thế, tranh thời, dùng mưu đến nghệ thuật khởi đầu và kết thúc chiến tranh …. Cùng với niềm tin và quyết tâm sắt đá, cách đánh, biết đánh đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: từ Ấp Bắc, Vạn Tường, Quảng trị, Đường chín Khe Sanh đến chiến dịch Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chính cách đánh phù hợp đã từng bước làm chuyển hoá lực lượng từ nhỏ thành lớn, từ yếu thành mạnh và góp phần củng cố niềm tin, ý chí dám đánh, quyết đánh và quyết thắng của quân và dân ta
Có thể khẳng định: Nhân tố chính trị tinh thần là ưu thế tuyệt đối, là ngọn nguồn sức mạnh quyết định chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đó là chiến thắng của truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm, tinh thần độc lập tự chủ, ý thức tự lực, tự cường Việt Nam, là chiến thắng của niềm tin, tinh thần dám đánh, ý chí quyết đánh, biết đánh và biết thắng của quân và dân ta; mỗi nhân tố có vị trí, vai trò khác nhau nhưng có quan hệ chặt chẽ, vừa là cơ sở, tiền đề vừa là hệ quả của nhau để cùng hợp thành sức mạnh chính trị tinh thần Việt Nam. Chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã tạc vào lịch sử của dân tộc ta một mốc son chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đưa dân tộc ta sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đồng thời chiến thắng đó cũng để lại cho chúng ta bài học vô cùng quý giá về việc xây dựng nhân tố chính trị tinh thần trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc Xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Trong tương lai, nếu chúng ta phải tiến hành một cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc thì đó sẽ là cuộc chiến tranh mà kẻ thù sẽ sử dụng vũ khí công nghệ cao, ưu thế về vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự thuộc về kẻ thù. Từ đó việc xây dựng và phát huy nhân tố chính trị tinh thần là vấn đề quan trọng hàng đầu và đó vẫn là nhân tố có ý nghĩa quyết định trong nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Để xây dựng nhân tố chính trị tinh thần cho quân và dân ta trong cuộc chiến tranh này đòi hỏi chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp song trước hết cần tập trung làm tốt một số nội dung sau đây:
Một là: Tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, là nền tảng vật chất, là cơ sở quan trọng để xây dựng nhân tố chính trị tinh thần.
Để thực hiện tốt giải pháp này đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải kiên định với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế gắn liền với giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, lành mạnh hoá các quan hệ xã hội… xây dựng niềm tin của nhân dân về một chế độ tốt đẹp, chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa.
Hai là: Tăng cường công tác giáo dục nâng cao giác ngộ chính trị cho các tầng lớp nhân dân.
Tuyên truyền giáo dục cho toàn quân, toàn dân ta nhận thức rõ tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ tổ quốc, nhận rõ sức mạnh vô địch và khả năng chiến thắng của nhân dân ta từ đó xây dựng niềm tin, ý chí quyết chiến, dám đánh, biết đánh và biết thắng; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm chính trị của toàn dân tộc trong tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc trong tương lai.
Để thực hiện tốt vấn đề này cần đổi mới nội dung, hình thức công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tập trung làm rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta, nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giáo dục nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, lòng yêu nước, yêu Chủ nghĩa xã hội; làm rõ điểm mạnh, yếu của kẻ thù, sức mạnh to lớn của nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân….
Ba là: Xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở.
Quân đội ta là lực lượng lòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc, lực lượng tiến hành những trận đánh có ý nghĩa quyết định tới cục diện của chiến tranh. Để xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội bảo đảm cho quân đội thực sự là quân đội cách mạng, quân đội của dân, do dân, vì dân. Tích cực cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự; từng bước trang bị cho quân đội một số loại vũ khí trang bị hiện đại cần thiết phù hợp với khả năng của nền kinh tế; nâng cao chất lượng huấn luyện đáp ứng với yêu cầu của cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới. Chăm lo tới đời sống vật chất tinh thần của cán bộ, chiến sỹ; thực hiện tốt chính sách hậu phương, quân đội.
Bốn là: Nghiên cứu phát triển nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Khoa học nghệ thuật quân sự là một yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng mà thực chất cốt lõi của nó là biết đánh, biết phát huy sức mạnh của các nhân tố trong tác chiến để giành thắng lợi trên chiến trường.
Để nghiên cứu, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam trước hết phải làm tốt công tác tổng kết kinh nghiệm của các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc ở nước ta cũng như của các nước trên thế giới; làm rõ các yếu tố tác động đến cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc trong tương lai; nghiên cứu làm rõ đối tượng tác chiến và những điểm mạnh yếu của chúng. Trú trọng tăng cường xây dựng, bồi dưỡng nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; tận dụng triệt để những cán bộ có bề dày kinh nghiệm trong chiến tranh; kịp thời cung cấp thông tin và quan tâm tới đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự. Các nội dung đã được nghiên cứu sáng tỏ phải được nhanh chóng đưa vào huấn luyện bộ đội và áp dụng trong thực tiễn
Xây dựng và phát huy nhân tố chính trị tinh thần là bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu trong lịch sử giữ nước cũng như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Các cuộc chiến tranh trên thế giới gần đây càng chứng minh vai trò to lớn của nhân tố chính trị tinh thần trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Vấn đề xây dựng nhân tố chính trị tinh thần cho nhân dân ta, quân đội ta vẫn là nội dung quan trọng có ý nghĩa quyết định để giành chiến thắng trong nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn cách mạng hiện nay, đồng thời đây cũng là vấn đề đang đặt ra nhiều đòi hỏi bức xúc. Để xây dựng nhân tố chính trị tinh thần cần phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng, nhà nước, của cả hệ thống chính trị. Đối với đội ngũ cán bộ chính trị- những cán bộ của Đảng trong quân đội, lực lượng lòng cốt trong tiến hành Công tác đảng, công tác chính trị trực tiếp xây dựng nhân tố chính trị tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ trong quân đội thì đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ cơ bản, chủ yếu nhất. Để kết thúc bài viết này xin được nhắc lại những câu nói nổi tiếng của Lê- Nin: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tuỳ thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường.Lòng tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, sự giác ngộ rằng cần phải hy sinh đời mình cho hạnh phúc của những người anh em, là yếu tố nâng cao tinh thần của binh sỹ và làm cho họ chịu đựng được những khó khă chưa từng thấy”[2] và “Ở đâu mà công tác chính trị trong quân đội, công tác của các chính uỷ làm được chu đáo nhất thì ở đấy không hề có tình trạng lỏng lẻo trong quân đội, quân đội giữ được trật tự tốt hơn và tinh thần của họ cũng cao hơn. Ở đấy thu được nhiều thắng lợi hơn”[3].
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét