10 sự kiện quốc tế nổi bật 2013
1. Giáo hoàng đến từ châu Mỹ
Ngày 13.3, Mật nghị Hồng y diễn ra ở Vatican đã bầu Hồng y Jorge Mario Bergoglio (Argentina) trở thành Giáo hoàng mới thay thế cho Giáo hoàng Emeritus Benedict XVI vừa mới thoái vị. Ông là Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ Latinh, đồng thời cũng là Giáo hoàng đầu tiên không đến từ châu Âu trong suốt hơn 1.200 năm qua.
Giáo hoàng Jorge Mario Bergoglio đã lấy tên thánh Francis rất giản dị và gần gũi với dân chúng. Ông cũng được Tạp chí Times bình chọn là nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2013.
2. Đánh bom ở Boston, Mỹ
Ngày 15.4, nước Mỹ bàng hoàng trước vụ tấn công khủng bố khi 2 quả bom tự chế phát nổ trước vạch đích cuộc đua Marathon Boston làm 3 người chết và 282 người khác bị thương. Nghi phạm Tamerlan Tsarnaev thiệt mạng khi bị cảnh sát truy đuổi, còn em trai hắn là Dzhokhar bị bắt khi đang ẩn nấp trong chiếc thuyền ở khu vườn của một người dân Boston.
Vụ tấn công khủng bố này đã khiến ám ảnh vụ khủng bố 11.9 trở lại với người dân Mỹ. Một lần nữa, nước Mỹ lại lên dây cót cho cuộc chiến chống khủng bố mà đã xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm mới: Đó là chính người Mỹ lại khủng bố người Mỹ.
3. Cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hóa học
Cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria đã kéo dài gần 3 năm, nhưng đến tháng 8.2013, Mỹ và các quốc gia phương Tây cáo buộc quân đội của Tổng thống Syria Bashar Assad đã sử dụng vũ khí hóa học tấn công vào dân thường ở ngoại ô thủ đô Damascus khiến 1.400 người thiệt mạng. Mỹ đã huy động nhiều tàu chiến đến Địa Trung Hải sẵn sàng cho một cuộc tấn công trừng phạt vào Syria. Dù giải pháp mà Nga đưa ra đã cứu được Syria khỏi đòn tấn công của Mỹ và phương Tây, song hàng triệu người di tản Syria vẫn chưa có cơ hội trở về nhà.
4. Bí mật tình báo Mỹ bị tiết lộ
Cựu nhân viên kỹ thuật tình báo Mỹ Snowden Edward đã tiết lộ những bí mật chương trình nghe lén của tình báo Mỹ khiến Washington bị rơi vào vòng tai tiếng suốt nhiều tháng qua. Bê bối nghe lén này như nối dài thêm khi Edward thi thoảng lại tiết lộ thêm những tài liệu mới chống lại nước Mỹ, trong đó có việc Mỹ đã nghe lén 35 nhà lãnh đạo trên thế giới. Với những gì mà Snowden đã làm với nước Mỹ, anh đã trở thành “kẻ tội đồ của nước Mỹ” và hiện đang lưu trú ở Mátxcơva (Nga).
5. Chính phủ Mỹ đóng cửa vì cạn tiền
Ngày 1.10, Quốc hội Mỹ đã không đạt được thỏa thuận ngân sách nào khiến Chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động, hàng trăm nghìn nhân viên liên bang phải nghỉ không lương. Đây là lần đầu tiên trong vòng 17 năm qua, Chính phủ Mỹ phải đóng cửa, ngừng hoạt động trong vòng 16 ngày, ảnh hưởng đến nền kinh tế của siêu cường thế giới.
6. Siêu bão Haiyan hủy diệt Philippines
Ngày 10.11, siêu bão Haiyan mạnh nhất thế giới với tốc độ gió lên tới 320 km/h đã đổ bộ vào miền Trung Philippines, tàn phá một khu vực rộng lớn và gây ra thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất năm 2013. Theo thống kê 5.598 người chết, 26.136 người bị thương và 1.759 hiện còn mất tích. Thành phố Tacloban đã bị hủy diệt hoàn toàn khiến hàng chục ngàn người dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, không có thức ăn, nước uống trong nhiều ngày. Theo tính toán ban đầu, thiệt hại về cơ sở hạ tầng chung và nông nghiệp do siêu bão này gây ra ở các khu vực miền Trung Philippines lên tới 27,8 tỷ peso (tương đương 637 triệu USD). Đó là chưa tính đến mức thiệt hại về tài sản của hàng trăm nghìn hộ gia đình.
Tranh chấp lãnh hải trên biển Hoa Đông đã âm ỉ suốt từ nhiều năm qua. Trong năm 2013, những căng thẳng, tranh cãi xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn chưa dịu bớt. Đỉnh điểm căng thẳng là vào ngày 23.11 khi Trung Quốc thông báo thiết lập Vùng nhận dạng phong không (ADIZ) ở Hoa Đông, bao trùm quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang tranh chấp với Nhật Bản. Theo đó mọi máy bay nước ngoài đi vào khu vực này phải thông báo với phía Trung Quốc về kế hoạch bay và tuân theo quy định của nước này.
Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối và không thừa nhận ADIZ của Trung Quốc, đồng thời đưa ra những cảnh báo ngăn chặn Bắc Kinh thiết lập ADIZ tương tự trên Biển Đông.
8. Khủng hoảng chính trị ở Thái Lan
Từ ngày 24.11, các cuộc biểu tình đòi lật đổ Thủ tướng Thái Lan Yingluck đã rầm rộ diễn ra ở thủ đô Bangkok do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thausuban cầm đầu đã làm chấn động chính trường Thái Lan. Với khả năng quyền biến và sách lược mềm mỏng, bà Yingluck đã bước đầu đẩy lùi thành công ý đồ đảo chính của phe đối lập do cựu phó Thủ tướng Suthep Thausuban cầm đầu, tuy nhiên làn sóng biểu tình vẫn chưa thể chấm dứt. Trong khi đó, nền kinh tế Thái Lan cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là trong lĩnh vực du lịch.
9. Ông Nelson Mandela qua đời
Nam Phi đã long trọng tổ chức quốc tang cho ông Mandela trong suốt 10 ngày, và gần 100 nguyên thủ đến từ các nước trên thế giới đã đến tham dự lễ viếng của ông. Thi hài ông được chôn cất tại quê nhà Qunu vào ngày 15.12.
10. Triều Tiên xử tử Jang Song-thaek
Triều Tiên đã xử tử cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Jang Song-thaek, nhân vật số 2 đầy quyền lực ở đất nước này với tội danh “chống đảng, phản cách mạng” và âm mưu đảo chính lật đổ nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày 12.12. Mặc dù đây là việc “nội bộ” của Triều Tiên, song vẫn tạo ra sự bất ngờ lớn đối với dư luận thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét