Âm mưu của Trung Quốc khi đưa tên lửa tới Hoàng Sa
Theo các chuyên gia, TQ đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa của Việt Nam, là bước đi nhằm quân sự hóa Biển Đông và tạo lợi thế trong tranh chấp lãnh thổ với các nước ASEAN.
Giới chức Trung Quốc từ lâu đã cam kết không quân sự hóa ở Biển Đông nhưng thực tế không như vậy. Bắc Kinh vừa triển khai tên lửa phòng không HQ-9 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đồng nghĩa với việc tất cả máy bay dân sự hay quân sự đều có thể bị bắn hạ khỏi bầu trời trong tầm bắn 200 km.
Mưu đồ chiến lược và chiến thuật
Vệ tinh phát hiện động thái mới nhất của Bắc Kinh trong giai đoạn từ ngày 3/2 tới ngày 14/2, đúng thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì hội nghị cấp cao đầu tiên với các nhà lãnh đạo ASEAN ở Sunnylands, California, Mỹ. Theo nội dung bài xã luận trên Wall Street Journal, điều này cho thấy Trung Quốc có toan tính kỹ lưỡng.
Việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm là chiến thuật đáng chú ý, một tín hiệu cho thấy những chiến lược xa hơn mà Bắc Kinh đang âm mưu thực thi. Xét về chiến thuật, HQ-9 là phần quan trọng trong chiến lược chống tiếp cận của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Theo những đồn đoán trước đó, Trung Quốc đã triển khai hệ thống phòng không kém tiên tiến trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong khi đó, vệ tinh ghi hình tên lửa HQ-9 ở đảo Phú Lâm là sự khác biệt lớn, bài phân tích của các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS) đăng trên trang web của trung tâm nêu rõ.
Đảo Phú Lâm có đường băng dài 2.700 m cùng hệ thống radar và nhà chứa tiêm kích phản lực. Những chiếc J-11 được bố trí ở Phú Lâm có tầm hoạt động lớn hơn rất nhiều so với phạm vi của HQ-9. Sự hiện diện của J-11 góp phần thách thức máy bay nước ngoài muốn thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không quanh quần đảo Hoàng Sa dù chúng không cần phải thực sự xuất kích. Tuy nhiên, HQ-9 khó bị phá hủy hơn so với đường băng trên đảo Phú Lâm.
Ngoài ra, HQ-9 còn đáng chú ý vì nó cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, bất chấp những nỗ lực quốc tế trong việc thuyết phục Trung Quốc. Việc làm này còn có thể mở đầu cho hàng loạt động thái tương tự của Trung Quốc tại các thực thể chiếm đóng bất hợp pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Mỹ liên tục kêu gọi Trung Quốc ngừng “cải tạo, xây dựng và quân sự hóa” các đảo, đá và rạn san hô trên Biển Đông. Tuy nhiên, phía Trung Quốc ngang nhiên khẳng định quyền lợi chính đáng khi triển khai các cơ sở quân sự trong cái họ gọi là vùng lãnh thổ. Trong tháng 9/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố không quân sự hóa Biển Đông nhưng những hình ảnh từ vệ tinh mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang tiến hành các hoạt động xây dựng phi pháp.
"Trên thực tế, mô hình Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm có thể được áp dụng tại Trường Sa, đặc biệt là các đá Chữ Thập, Gạc Ma và Xu Bi. Ngoài ra, các nhà quan sát còn lo ngại khả năng Trung Quốc triển khai những hệ thống tên lửa chống hạm di động tới các thực thể chiếm đóng bất hợp pháp trên Biển Đông. Bắc Kinh cũng có thể đơn phương thiết lập đường cơ sở xung quanh các quần đảo Trường Sa của Việt Nam, giống cách họ đã làm với quần đảo Hoàng Sa của chúng ta trong năm 1996", bài viết trên CSIS.org nhận định.
Các động thái đang diễn ra cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc tham vọng thiết lập một chiếc ô chống tiếp cận ở phía nam. Dù hệ thống này của Trung Quốc có thể dễ bị tổn thương khi xung đột nổ ra nhưng hiện tại, chúng mang lại lợi thế lớn cho Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Nó cũng tạo ra thách thức buộc Mỹ phải gia tăng lực lượng trong khu vực. Thông qua việc làm này, Trung Quốc có thể thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không trên Biển Đông (ADIZ) trong vài năm tới.
Đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhìn từ trên không. Ảnh: CSIS |
Đối phó với thách thức từ Trung Quốc
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 17/2 đã bác bỏ mối quan ngại từ việc đưa tên lửa tới Phú Lâm và cho rằng đó là sản phẩm của truyền thông phương Tây dù trên thực tế, HQ-9 có khả năng phòng không tương đương với hệ thống S-300 của Nga. Với luận điệu tương tự, phía Trung Quốc cũng nhiều lần cáo buộc việc Mỹ thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là hành động khiêu khích.
Mỹ bắt đầu hoạt động tuần tra nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải từ năm 2011, cho thấy Washington bác bỏ hoàn toàn yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Đã từ lâu, Bắc Kinh muốn biến các đảo trở thành tàu sân bay cố định, giúp tạo ra thế cân bằng quyền lực trong khu vực.
Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974 khi quần đảo này còn nằm dưới sự quản lý của Việt Nam Cộng hòa. Năm 2012, Bắc Kinh tuyên bố đảo Phú Lâm, một trong các thực thể bị Trung Quốc chiếm giữ bất hợp pháp tại Hoàng Sa, trở thành thủ phủ của đơn vị hành chính rộng lớn mà Trung Quốc thành lập trái phép trên Biển Đông. Ban đầu, Phú Lâm không có người ở hay nước ngọt tự nhiên nhưng hiện nay, đây là nơi cư trú của 1.000 người với một căn cứ quân sự có trang bị chiến đấu cơ J-11 và mới đây nhất là hai tổ hợp HQ-9.
Theo bài xã luận trên Wall Street Journal, ở Biển Đông, Bắc Kinh quan tâm nhiều tới ý thức hệ và giá trị chiến lược hơn là kinh tế. Trong năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan bán chìm vào phía tây của quần đảo Hoàng Sa, khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nó là bước đi nhằm mục đích chính trị nhiều hơn so với tham vọng tìm thấy dầu mỏ trong khu vực.
Việc xây dựng các cơ sở quân sự ở Biển Đông củng cố hơn nữa cho mưu đồ "bắt nạt" của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn ép buộc các nước láng giềng thừa nhận sự thống trị của họ trong khu vực và từng bước bá quyền châu Á. Ngoài ra, nó cũng giúp đánh lạc hướng sự chú ý tới nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, bài viết nêu rõ.
Thách thức với thế giới chính là thuyết phục Trung Quốc hiểu rằng, việc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông sẽ gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ. Đó là những cuộc tuần tra đơn phương và đa phương nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, diễn ra thường xuyên với mức độ phức tạp lớn hơn từ Mỹ, Australia, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Ấn Độ hay những quốc gia có trách nhiệm khác.
Mỹ đưa máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 diễu qua không phận quốc tế phía trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp, có thể mở đầu cho việc đưa chiến đấu cơ hoạt động ở khu vực mà Trung Quốc tự tuyên bố thành lập vùng phòng không trên Biển Đông.
Tuy nhiên, về dài hạn, Mỹ và các nước trong khu vực cần có những biện pháp phòng thủ tốt hơn. Không quân và Hải quân Mỹ cần được trang bị những loại vũ khí chuyên dụng nhằm đối phó với hệ thống HQ-9 của Trung Quốc. Một nghiên cứu gần đây còn chỉ ra rằng, Mỹ cần triển khai một tàu sân bay thứ hai tới phía tây Thái Bình Dương. Các học giả nhận định, nếu không có những phản ứng mạnh mẽ và phù hợp, tuyến hàng hải huyết mạch, nơi hơn 1/3 lượng hàng hóa toàn cầu đi qua, sẽ trở thành ao nhà của Trung Quốc vào năm 2030, Wall Street Journal nhấn mạnh.
(Minh Nhân ST)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét