Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Vì sao Trung Quốc chọn triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm

Một hệ thống tên lửa hiện đại trên đảo Phú Lâm có thể là bước đệm để Trung Quốc mở rộng mạng lưới các căn cứ quân sự ra toàn Biển Đông.

vi-sao-trung-quoc-chon-trien-khai-ten-lua-tren-dao-phu-lam
Một hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 của Trung Quốc. Ảnh: eurasianhub
Truyền thông Mỹ hôm 17/1 đưa tin Bắc Kinh đã triển khai các hệ thống tên lửa phòng không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Giới quan sát đánh giá không phải tự nhiên mà Bắc Kinh lại chọn đảo Phú Lâm để làm nơi đầu tiên triển khai tên lửa đất đối không trong khu vực. Đây thực chất là một bước trong kế hoạch lâu dài mà Trung Quốc đang theo đuổi nhằm phục vụ mục tiêu phát triển một vị thế quân sự chưa từng có tại vùng biển đặc biệt quan trọng của Đông Nam Á, theo Forbes.
Mở rộng hiện diện quân sự
Trung Quốc hồi tháng 11 năm ngoái cũng điều các chiến đấu cơ J-11 tới đường băng trên đảo Phú Lâm. Những máy bay này đóng vai trò như một công cụ giúp Bắc Kinh kiểm soát không phận quanh quần đảo Hoàng Sa cũng như những khu vực khác ở Biển Đông trong bán kính khoảng 360 km, đặc biệt là khi chúng còn nhận được sự hỗ trợ từ những máy bay chiến đấu khác của Trung Quốc đóng trên đảo Hải Nam.
Một quan chức cấp cao Mỹ cho hay tên lửa Trung Quốc đưa tới đảo Phú Lâm là hệ thống phòng không HQ-9, tầm bắn 200 km. Từ quan điểm chiến lược của Trung Quốc, sự xuất hiện của một hệ thống vũ khí hiện đại như HQ-9 sẽ góp phần gia cố lớp phòng vệ, tạo điều kiện để Bắc Kinh bảo vệ tốt hơn các cơ sở vật chất, công trình mà họ xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm, ông Michael Auslin, giáo sư nghiên cứu về rủi ro địa chính trị từ Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định. Bằng cách này, Trung Quốc muốn ngầm gửi đi thông điệp rằng họ đang tìm cách bảo vệ cái gọi là "tài sản của mình".
Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi không xác nhận cũng không phủ nhận thông tin về việc triển khai tên lửa đến đảo Phú Lâm nhưng lặp lại rằng Bắc Kinh đã có những hệ thống phòng thủ trên các đảo trong nhiều thập kỷ. Trong một bài viết cùng ngày, tờ Global Times của Trung Quốc còn kích động rằng Bắc Kinh cần tăng cường "tự vệ" ở Biển Đông trước "những khiêu khích thường xuyên từ quân đội Mỹ".
Chọn đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc cũng phần nào giảm bớt được nguy cơ phải hứng chịu làn sóng phản đối mạnh mẽ từ dư luận quốc tế, bởi hiện không có quá nhiều bên tham gia vào tranh chấp ở khu vực này.
Theo ông Auslin, nếu Trung Quốc điều tên lửa tới các bãi đá đang cải tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa, động thái ấy chắc chắn "sẽ bị nhìn nhận như một hành vi hung hăng nhằm gây bất ổn", buộc các nước trong khu vực thực thi những biện pháp đối phó cứng rắn hơn.
Ý đồ của Bắc Kinh là hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền phi lý một cách từ từ, buộc cộng đồng quốc tế phải quen dần với sự hiện diện của các khí tài quân sự nước này trên các đảo ở Biển Đông, từ đó mở rộng quá trình quân sự hóa lên các đảo khác.
Vì thế, theo Auslin, đảo Phú Lâm rõ ràng là một bàn đạp hoàn hảo giúp Trung Quốc mở rộng mạng lưới các căn cứ quân sự trên Biển Đông và từng bước hiện thực hóa những tham vọng dài hơi khác.
vi-sao-trung-quoc-chon-trien-khai-ten-lua-tren-dao-phu-lam-1
Vị trí đảo Phú Lâm và đảo Quang Hòa, quần đảo Hoàng Sa. Đồ họa: The Diplomat
Biến Phú Lâm thành mô hình quân sự hóa
Theo các chuyên gia Michael Green, Bonnie Glaser và Zack Cooper từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Trung Quốc muốn biến đảo Phú Lâm thành hình mẫu để phát triển các bãi đá mà nước này đang bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, điển hình như tại đá Chữ Thập, Vành Khăn hay Subi.
Giới quan sát dự đoán Trung Quốc sớm muộn cũng đưa tên lửa đất đối không tới ba bãi đá trên, giống như cách mà họ đã làm ở đảo Phú Lâm, nhằm mở rộng tối đa phạm vi bao quát trên toàn Biển Đông. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có thể gia cố những nhà chứa máy bay sẵn có hay bổ sung các phương tiện thu thập tình báo, giám sát, và trinh sát tinh vi (ISR) với tầm hoạt động rộng lớn đến những thực thể này.
Bà Glaser cho rằng việc triển khai ISR sẽ giúp Trung Quốc tăng cường đáng kể khả năng nhận định tình huống trong khu vực, thu thập tin tức tình báo và các thông tin mục tiêu quan trọng khi cần.
Về mặt logic, việc bố trí các vũ khí, khí tài hiện đại trên những hòn đảo giữa biển như Phú Lâm sẽ gia tăng tỷ lệ hao mòn, hỏng hóc thiết bị, gây tốn kém và gia tăng thách thức. Tuy nhiên, chúng cũng mang đến nhiều lợi ích rõ ràng mà Trung Quốc khó lòng phớt lờ.
Đưa tên lửa đến các đảo nhằm đẩy mạnh quân sự hóa sẽ sẽ đem đến cho Trung Quốc các lợi thế cơ bản như củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông, tạo vị thế tác chiến trên biển và mở rộng phạm vi chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) mà Trung Quốc đang áp dụng.
Chuyên gia Euan Graham tại Viện Lowy ở Australia lại cho rằng các tên lửa HQ-9 trên đảo Phú Lâm có thể bao phủ toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và cửa ngõ phía nam đảo Hải Nam, nơi có các căn cứ tàu ngầm và hải quân lớn của Trung Quốc.
Hệ thống tên lửa trên Phú Lâm không chỉ bảo vệ các căn cứ Trung Quốc đặt tại đây mà còn tạo ra mối đe dọa tiềm tàng đối với những máy bay quân sự hoạt động gần hòn đảo này. Tàu hải quân các nước trong tương lai cũng phải đương đầu với những mối nguy hiểm tương tự nếu Bắc Kinh triển khai tới đây tên lửa chống hạm, ông Auslin nhận xét.
Trung Quốc hiện vẫn là một cường quốc về quân sự không có đối thủ trong khu vực. Vậy nên, Bắc Kinh tính toán rằng việc kiên trì triển khai tên lửa, khởi đầu là ở đảo Phú Lâm, sẽ khiến các quốc gia khác có liên quan trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông dần chùn bước và chấp nhận những yêu sách của nước này.
Kết quả là một khu vực với cán cân quyền lực thay đổi nhanh chóng dần hình thành. Ở đó, một quốc gia với ưu thế vượt trội, nếu muốn, có thể dùng sức mạnh để khẳng định những tuyên bố riêng của mình trên các tuyến đường biển và đường không phổ biến.
Tuy nhiên, những toan tính này hoàn toàn đi ngược lại thông lệ và luật pháp quốc tế cũng như những nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phổ quát được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Chúng không chỉ khiến các quốc gia trong khu vực lo ngại, dư luận thế giới bất bình, mà nhiều khả năng sẽ buộc Mỹ phải có những phản ứng quyết liệt hơn để duy trì vị thế và ảnh hưởng của mình ở châu Á - Thái Bình Dương, ông Auslin bình luận
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét