ĐBQH Nguyễn Anh Sơn: “Không hiểu sao người thiếu năng lực tự ứng cử lần 2"
“Làm ĐBQH phải có đủ sức khoẻ, năng lực, trí tuệ. Nếu không đủ sức khoẻ cả về thể chất, tinh thần thì làm sao tham gia được?... Tôi đã phì cười và nghĩ, không hiểu vì sao những người này lại tự ứng cử lần 2?”.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định thẳng thắn chia sẻ với Infonet khi bàn về những người tự ứng cử vào Quốc hội nhiệm kỳ XIV.
Vào Quốc hội không phải là cuộc dạo chơi
Tham gia tự ứng cử lần này có khá nhiều thành phần khác nhau, như nhà báo, nghệ sỹ... Ông nhận xét như thế nào khi nhìn vào “bảng” thành phần này?
Tôi rất đồng tình và ủng hộ chuyện nhiều người thuộc nhiều thành phần, nhiều giới khác nhau tham gia tự ứng cử. Điều này chứng tỏ họ thực sự quan tâm tới hoạt động của Quốc hội, họ đã tìm hiểu nên muốn tham gia và đóng góp cho Quốc hội.
Hoạt động của Quốc hội hiện rất bình đẳng và sôi nổi, từ những ĐBQH là giáo viên, bác sĩ... cho tới những ĐBQH là những vị lãnh đạo cấp cao, đều trao đổi với nhau rất thẳng thắn trên cương vị là ĐBQH đại diện cho cử tri, không hề có sự phân biệt.
ĐBQH Nguyễn Anh Sơn - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định |
Nhưng, tôi cũng có nhiều suy nghĩ, băn khoăn. Vẫn tồn tại những người tự ứng cử, nhưng hiểu về Quốc hội chưa đúng. Họ nghĩ rằng vào Quốc hội rất đơn giản, hoàn toàn có thể tham gia. Nhưng khi thực sự bước chân vào rồi thì mới vỡ lẽ.
Vào Quốc hội để PR hình ảnh, lợi dụng hình ảnh của một ĐBQH để hướng tới mục tiêu khác của cá nhân... Bài học đau xót này Quốc hội nhiệm kỳ qua đã gặp phải...?
Đúng vậy. Đánh giá cao người tự ứng cử, nhưng phải nói thật là khi nhìn vào danh sách 47 người tự ứng cử ở Hà Nội và 40 người tại TP.Hồ Chí Minh, có những trường hợp tôi thấy rất đáng suy nghĩ. Có những người hiện đang ngồi ở hội trường Quốc hội với tư cách ĐBQH và kỳ tới vẫn tiếp tục tái ứng cử. Tôi đã phì cười và nghĩ, không hiểu vì sao những người này lại tự ứng cử lần 2?
Vào Quốc hội không phải là cuộc dạo chơi, không phải là nơi để họ PR hình ảnh, lấy danh tiếng ... Ai nghĩ vào Quốc hội tìm danh tiếng, tìm quyền lợi này kia sẽ thất bại và bị bật ra ngay. Thực tế đã chứng minh, những người vào Quốc hội với mục đích “lobby” bản thân đã “lộ” ra ngay.
Tuy chỉ làm ĐBQH một khoá (5 năm) nhưng tôi có điều kiện quan sát. Làm ĐBQH anh phải có đủ sức khoẻ, năng lực trí tuệ... Nếu không đủ sức khoẻ cả về thể chất, tinh thần thì làm sao tham gia được? Đặc biệt với những người là ĐBQH nhưng để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp ở khoá trước, khoá sau vẫn tái cử, thì phải nghiêm túc cân nhắc.
Liệu chăng có sự phân biệt giữa người tự ứng cử và người được giới thiệu từ cấp cơ sở thưa ông?
Pháp luật không có quy định nào về vấn đề này. Dù là tự ứng cử hay được giới thiệu thì cũng phải làm hồ sơ như nhau ở tất cả các bước. Khi nộp hồ sơ và qua được vòng Hiệp thương thứ 2, trước khi vào vòng Hiệp thương thứ 3, các ứng viên sẽ phải lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Tôi biết rất nhiều trong số người tự ứng cử đã không vượt qua được “cửa ải” lấy được ý kiến cử tri nơi họ sinh sống, kinh doanh.
Cử tri bây giờ họ cũng quan sát, đánh giá kỹ lắm, chứ không phải cứ giới thiệu lên là họ đồng tình như trước.
"Vào Quốc hội không phải là cuộc dạo chơi, không phải là nơi để họ PR hình ảnh, lấy danh tiếng ... Ai nghĩ vào Quốc hội tìm danh tiếng, tìm quyền lợi này kia sẽ thất bại và bị bật ra ngay".
Như ông vừa nói, không hề có sự phân biệt nào giữa các ứng cử viên, nghĩa là giữa vị bộ trưởng và nghệ sỹ cùng tranh cử, đều không có sự phân biệt?
Cử tri bây giờ họ sẽ đánh giá luôn, chê luôn. Rõ ràng và rành mạch lắm, chứ không phải kiểu như xưa “cứ cấp cao là tôi bầu”. Khi cầm lá phiếu bầu cử trong tay, họ sẽ cân nhắc ứng cử viên để lựa chọn. Nếu ông Bộ trưởng, lĩnh vực mình quản lý tốt thì tín nhiệm cử tri sẽ cao hơn. Ngược lại, nếu lĩnh vực bộ trưởng nọ quản lý bết bát thì làm sao cử tri họ tin tưởng, bầu được.
Có lợi ích nhóm khiến đại biểu “chùn tay”
Nhưng rõ ràng với sự tham gia ứng cử của nhiều nhóm, giới khác nhau thì phương thức tranh cử đã đa dạng hơn trước rất nhiều, như việc dùng mạng xã hội để tranh cử chẳng hạn?
Tôi nói rồi, luật pháp không có quy định nào đề cập tới sự phân biệt giữa các ứng cử viên, mà tạo sự bình đẳng trong hoạt động bầu cử. Mọi người tham gia tranh cử đều phải hoạt động vào thời điểm, thời gian và cùng chung một mối quan tâm....
Đơn cử, như trước đây tranh cử, các ứng cử viên đều có bằng ấy phút để tranh luận về một vấn đề trước cử tri. Ông bí thư tỉnh uỷ cũng như 1 cô giáo, bình đẳng nhưng tất nhiên có những có lợi thế tự nhiên để vận động chính thức/phi chính thức.
Nhiều ĐBQH bày tỏ sự lo lắng về việc “lũng loạn chính sách”. Việc sàng lọc ĐBQH có khó khăn gì, thưa ông?
Nhóm ĐBQH đến từ nhiều địa phương khác nhau liên kết lại. Chắc chắn có chuyện lợi ích nhóm. Như DN tìm cách vận động có lợi cho DN, phụ nữ thì chắc chắn bảo vệ phụ nữ, trẻ em... Lợi ích quá tập trung vào người nào đó là điều cần khắc phục ngay.
Hiện tỷ lệ người ngoài Đảng trong Quốc hội đang tăng lên. Ông có kỳ vọng gì tỷ lệ này trong nhiệm kỳ tới?
Khi người tự ứng cử trúng cử thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ này. Ngay trong cơ cấu bầu cử lần này cũng rất quan tâm tới đối tượng người ngoài Đảng. Tôi cũng mong tỷ lệ người ngoài Đảng sẽ tăng trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét