Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CẢI TỔ QUÂN ĐỘI CỦA TRUNG QUỐC
I. BỐI CẢNH VÀ NGUYÊN NHÂN
1. Bối cảnh cải tổ quân đội Trung Quốc
Hiện nay, xu hướng chung của môi trường quốc tế là hoà bình, ổn định, nhưng ngày càng xuất hiện những nguy cơ xung đột vũ trang. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, nổi lên nhiều điểm nóng xung đột quân sự. Trong các cuộc xung đột, ngày càng thể hiện rõ sự ưu việt của vũ khí, trang bị hiện đại được điều khiển và tiến công từ xa cũng như thế mạnh của mô hình biên chế quân đội viễn chinh mà Mỹ, Nga và các nước phương Tây đang thực hiện. Với vai trò uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vị thế của Trung Quốc ngày càng được củng cố, tăng cường; phạm vi ảnh hưởng ngày càng mở rộng trên trường quốc tế nhất là về hợp tác, đầu tư kinh tế,  thương mại và viện trợ. Tuy vậy, việc ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc đối với các nước  chưa ngang tầm với ảnh hưởng kinh tế. Trước sự phát triển của Trung Quốc, Mỹ chủ trương kiềm chế Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế (giành giật thị trường bằng các hiệp định thương mại khu vực và lập các hàng rào kỹ thuật trong thương mại trên cơ sở quy định của WTO); chính trị (thúc đẩy diễn biến hoà bình, chia rẽ Đài Loan; lôi kéo các đối tác chính trị của Trung Quốc); quân sự (thực hiện xoay trục chiến lược về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương). Mục tiêu của Mỹ là ngăn ngừa Trung Quốc phát triển đe doạ vị thế siêu cường của Mỹ trên trường quốc tế.
Đường lối phát triển quan hệ kinh tế, thương mại thực dụng, thiếu ổn định của Trung Quốc khiến lòng tin của các đối tác trong khu vực giảm sút (phá giá đồng tiền trên 5% trong thời gian ngắn; dùng chính sách, quy định của chính phủ thao túng hoạt động thương mại; đầu tư vào các dự án mang lại hiệu quả không cao cho đối tác do yêu sách về điều kiện ưu đãi thầu dự án, nâng giá trị dự án, chất lượng không cao, công nghệ lạc hậu...). Mục tiêu về chủ quyền lãnh thổ và hoạt động của lực lượng bán vũ trang, vũ trang Trung Quốc mang tính bá quyền bất chấp luật pháp quốc tế khiến các nước láng giềng nghi ngờ, cảnh giác, tăng cường lực lượng quốc phòng và phản đối mạnh mẽ trên các diễn đàn. Nguy cơ xung đột, đối đầu trong khu vực tăng cao. Do nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại kéo theo những vấn đề xã hội rất phức tạp, ảnh hưởng đến lòng dân và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Không khí chính trị Trung Quốc tồn tại nhiều vấn đề nóng như: đấu tranh nội bộ nâng lên do chiến dịch chống tham nhũng thúc đẩy; các điểm nóng về an ninh chính trị vẫn tiếp tục tồn tại (Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng. Hồng Kông và khiếu kiện đông người kéo dài ở nhiều địa phương do những vấn đề xã hội nảy sinh). Tình hình Đài Loan có những diễn biến bất ổn do chế độ đa nguyên và sự thắng cử của đảng Dân Tiến vừa qua.
Mặc dù Quân đội Trung Quốc có quy mô lớn (2,3 triệu quân) nhưng mô hình tổ chức vẫn được xây dựng trên khuôn mẫu định ra từ những năm 1950, lấy Lục quân làm trung tâm và nhiệm vụ tự về trên lãnh thổ là chủ yếu. Sau nhiều năm kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng và vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Chi tiêu cho quân đội nước này ngày càng tăng theo tốc độ phát triển kinh tế; sau nhiều năm mức tăng trưởng ngân sách quốc phòng trên 10%, năm 2016 mới giảm mức tăng xuống 7,6% (146 tỷ USD). Với khả năng kinh tế đó, Trung Quốc đã phát triển nhiều chủng loại vũ khí hiện đại và tầm tác chiến được nâng lên như tàu sân bay; tên lửa đạn đạo; cải tiến, nâng cấp các loại tàu chiến khác, không quân, vũ khí phòng không, tên lửa tầm trung, tầm ngắn... Hạn chế khác là Trung Quốc không có căn cứ quân sự ở nước ngoài, điều đó khiến việc triển khai lực lượng viễn chinh rất khó khăn. Nhiều quan điểm cho rằng, Trung Quốc nên học theo Mỹ xây dựng các căn cứ quân sự ở nước ngoài nhằm tương xứng với sức mạnh ngày càng tăng. Gần đây, Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận với Djibouti để xây dựng căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên. Việc xây dựng căn cứ ở nước ngoài cho thấy Trung Quốc đang cố gắng để bắt kịp với lợi ích quốc gia ngày càng mở rộng và Trung Quốc ngày càng quan tâm đến việc mở rộng lợi ích ở nước ngoài. Chính vì vậy, quân đội Trung Quốc chưa được coi là lực lượng viễn chinh (tác chiến ngoài lãnh thổ) và Hải quân Trung Quốc chưa phải “lực lượng hải quân nước xanh” (lực lượng có khả năng tác chiến xa bờ dài ngày). Quân đội Trung Quốc trước cải tổ cơ bản chỉ là lực lượng chiến đấu tại chỗ. Dù chi tiêu quốc phòng đứng thứ 2 thế giới nhưng (theo giới chuyên gia đánh giá) sức mạnh chiến đấu của quân đội Trung Quốc chỉ đứng thứ 8 thế giới (sau cả Nhật Bản).
2. Tại sao Trung Quốc cải tổ quân đội?
Thứ nhất, Trung Quốc mong muốn xây dựng quân đội đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” cạnh tranh vị thế quốc tế với Mỹ
“Giấc mơ Trung Hoa” là 1 học thuyết mới trong một chuỗi tư tưởng chỉ đạo Xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc do Tập Cận Bình khởi xướng, được sử dụng trên báo chí, Đảng, chính phủ Trung Quốc và các hoạt động khác. Mục tiêu: xây dựng một xã hội khá giả vào năm 2021 xây dựng Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh hài hòa vào năm 2049. Biện pháp thực hiện thông qua việc thiết lập Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (SREB) và Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 (MSR) kết nối Trung Quốc với châu Âu bằng đường bộ và đường biển (một vành đai, một con đường)
Triển khai các chiến lược phát triển kinh tế đặt ra nhu cầu bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu mà lực lượng quân sự đóng một vai trò không thể thiếu. Chính vì vậy, để Quân đội Trung Quốc trở thành đội quân viễn chinh (như quân đội Mỹ) đòi hỏi nhất định phải cải tổ mạnh mẽ.
Thứ hai, nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội Trung Quốc
Sau nhiều năm nghiên cứu, cuối năm 2009 Trung Quốc đã đưa ra mô hình ban đầu cho cải tổ quân đội với 4 điểm cơ bản là cải tổ về tổ chức biên chế; về cơ cấu lãnh đạo chỉ huy; về chế độ tiền lương cho quân nhân và đảm bảo ngân sách hiện đại hoá quân đội.
Cải tổ quân đội nhằm hiện thực hoá đường lối quốc phòng của Trung Quốc thể hiện trong “Sách trắng quốc phòng năm 2015” thể hiện ở 4 sứ mệnh, 8 nhiệm vụ chiến lược; 9 nguyên tắc và chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang Trung Quốc.
4 sứ mệnh: 1 Kiên quyết bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng CSTQ và chế độ XHCN mang màu sắc TQ/ 2 Bảo vệ chủ quyền an ninh và các lợi ích phát triển quốc gia/ 3 Bảo vệ giai đoạn quan trọng có các cơ hội chiến lược đối với sự phát triển quốc gia/ 4 Góp phần duy trì hoà bình, thế giới, tạo môi trường thực hiện thắng lợi phục hưng dân tộc Trung Hoa.
8 nhiệm vụ chiến lược: 1 Đối phó hiệu quả với các tình huống về quân sự, bảo vệ chủ quyền và an ninh trên không, biển đất liền của Trung Quốc/ 2 Bảo vệ thống nhất toàn vẹn lãnh thổ/ 3 Bảo vệ an ninh và lợi ích của Trung Quốc trong các lĩnh vực và môi trường mới/ 4 Bảo vệ an toàn cho các lợi ích của TQ ở nước ngoài/ 5 Duy trì khả năng răn đe chiến lược và phản công hạt nhân/ 6 Hợp tác quốc tế, duy trì hoà bình khu vực và thế giới/ 7 Bảo vệ an ninh quốc gia và ổn định xã hội/ 8 Cứu hộ, cứu nạn, phát triển KTXH.
9 nguyên tắc: 1 Phục tùng mục tiêu quốc gia, chiến thắng trong chiến tranh/ 2 Thúc đẩy tạo vị thế chiến lược có lợi cho Trung Quốc/ 3 Cân bằng giữa quyền lợi và ổn định/ 4 Chủ động trong đấu tranh quân sự/ 5 Triển khai, phối hợp tất cả các lực lượng/ 6 Chuẩn bị tốt mọi kịch bản đấu tranh quân sự/ 7 Phát huy lực lượng toàn xã hội vào các cuộc đấu tranh quân sự/ 8 Phát huy mọi nguồn lực phục vụ chiến tranh nhân dân/ 9 Mở rộng hợp tác quốc tế về quân sự và an ninh. 
Mục tiêu phát triển quân đội TQ: có khả năng tác chiến cơ động, phòng thủ và tiến công đa chiều.
Thứ ba, cải tổ quân đội để tập trung quyền lực điều hành, chỉ huy Quân đội vào Quân ủy Trung ương.
Khi tiếp nhận chức Chủ tịch Quân ủy, Tập Cận Bình chỉ nắm được 03 phiếu trong 07 phiếu thường vụ Quân ủy. Cơ cấu 4 tổng bộ của Quân đội đã tạo cho Tổng bộ Chính trị có uy quyền quá cao, quyết định nhiều vấn đề lạm quyền của Quân ủy trong lĩnh vực nhân sự và kỷ luật (cơ quan cán bộ, kiểm tra, viện kiểm sát, tòa án đều nằm trong đó); Tổng bộ Hậu cần, Tổng bộ Quân bị nắm toàn quyền cung cấp cơ sở vật chất cho Quân đội từ đó sinh ra biểu hiện câu kết “mua quan, bán chức”, thông đồng tham nhũng theo hệ thống… 
Đối với việc cải tổ cơ cấu biên chế mới, ngoài việc 300.000 quân nhân được đưa ra khỏi biên chế, trong đó có trên 170.000 sỹ quan cấp trung tá đến đại tá; còn có hàng trăm thiếu, trung tướng; 38 thượng tướng đang chờ vị trí sắp xếp (thực chất là mất quyền lực). Điều đó tạo ra các ý kiến trái chiều phản đối quá trình cải tổ quân đội. Những quan điểm, hành vi phản đối không được bộc lộ công khai nhưng vẫn ngấm ngầm vận động tạo ra những trở ngại nhất định đối với việc cải tổ.
Ông Tập Cận Bình đã phát biểu ở nhiều nơi, sử dụng các phương tiện truyền thông liên tục đưa ra những “thông điệp” nhằm cảnh báo, trấn áp các thủ đoạn, quan điểm phản đối cải tổ quân đội.
Cải tổ quân đội không chỉ tập trung quyền lực vào tay Quân ủy Trung ương theo cơ chế mới mà việc điều chỉnh tổ chức, biên chế là một “cơ hội bằng vàng” để ông Tập Cận Bình bố trí người thân cận, tin cậy vào các vị trí lãnh đạo chỉ huy chủ chốt trong Quân đội, thực sự nắm quyền điều hành quân đội.
Thứ tư, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng vào lĩnh vực quốc phòng
Theo báo chí phân tích, có tới 40 điểm yếu trong phương pháp đào tạo lính Trung Quốc. Những vấn đề này nằm trong tác phong đội ngũ, phương pháp và tiêu chuẩn đào tạo hiện tại… Nhật báo của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc nhận định “những vấn đề này phản ánh thiếu sót và nhược điểm trong lực lượng chiến đấu. Nếu không xử lý kịp thời, chúng chắc chắn sẽ ảnh hưởng và cản trở khả năng tham chiến của quân đội”.
Nguồn gốc sâu xa của những điểm yếu trong Quân đội Trung Quốc được chỉ ra là do tham nhũng đã trầm trọng, ăn đến tận tầng lớp quan chức cấp cao. “Nếu không loại bỏ được tham nhũng thì chúng ta sẽ bị đánh bại trước khi tham chiến” là quan điểm của ông Tập và ban lãnh đạo Trung Quốc.
Tham nhũng, “mua quan, bán chức” trong Quân đội Trung Quốc diễn ra trong một thời gian dài; ăn sâu, bắt rễ từ đơn vị cơ sở đến Lãnh đạo Quân ủy Trung ương nên giải quyết hậu quả phải là một quá trình lâu dài, điều tra, phát hiện, sàng lọc, loại bỏ, thay thế trên quy mô lớn.
Cải tổ quân đội là một thời cơ để có thể điều động nhân sự, thay thế những thành phần tham nhũng và những thành phần tiến thân bằng con đường bất chính trong quân đội; trọng dụng nhân tài, người có phẩm chất, và năng lực tốt.
II. NỘI DUNG CẢI TỔ QUÂN ĐỘI TRUNG QUỐC
Một là, cải tổ về tổ chức biên chế, chức năng, nhiệm vụ
Đối với hệ thống cơ quan tham mưu, chỉ huy, chỉ đạo và bảo đảm
Xóa bỏ phiên hiệu của Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị. Thành lập 15 cơ quan, đơn vị nghiệp vụ mới trực thuộc Quân ủy Trung ương gồm 7 bộ, 3 ủy ban, 5 đơn vị nghiệp vụ, cụ thể:
+ Văn phòng Quân ủy Trung ương: là cơ quan giúp việc cho Quân ủy Trung ương (QUTW), tiếp nhận, xử lý thông tin trình QUTW; truyền đạt sự chỉ đạo của QUTW; điều phối hoạt động của các cơ quan giúp việc cho QUTW.
+ Bộ Tham mưu liên hợp: là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quân ủy Trung ương về tác chiến và tình báo; truyền đạt sự chỉ đạo của QUTW, tổ chức điều hành, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong tác chiến.
+ Bộ Công tác chính trị: là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quân ủy Trung ương về công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội (so với trước đây bỏ công tác tư pháp, kiểm tra, thanh tra, giám sát); chỉ đạo hoạt động được phân công đối với các cơ quan, đơn vị trong quân đội.
+ Bộ Bảo đảm hậu cần: là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quân ủy Trung ương về công tác đảm bảo hậu cần trong Quân đội; chỉ đạo hoạt động được phân công đối với các cơ quan, đơn vị trong quân đội.
+ Bộ Phát triển trang bị: là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quân ủy Trung ương về công tác đảm bảo kỹ thuật và phát triển kỹ thuật quân sự trong Quân đội; chỉ đạo hoạt động được phân công đối với các cơ quan, đơn vị trong quân đội.
+ Bộ Quản lý huấn luyện: là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quân ủy Trung ương về công tác giáo dục, đào tạo, huấn luyện trong Quân đội; chỉ đạo hoạt động được phân công đối với các cơ quan, đơn vị trong quân đội.
+ Bộ Động viên quốc phòng: là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quân ủy Trung ương về công tác quản lý biên chế, tổ chức lực lượng trong Quân đội; chỉ đạo hoạt động được phân công đối với các cơ quan, đơn vị trong quân đội.
+ Ủy ban Kỉ luật: là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quân ủy Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra trong Quân đội; chỉ đạo hoạt động được phân công đối với các cơ quan, đơn vị trong quân đội.
+ Ủy ban Chính trị, Luật pháp: là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quân ủy Trung ương về công tác điều tra, kiểm sát, tòa án trong Quân đội; chỉ đạo hoạt động được phân công đối với các cơ quan, đơn vị trong quân đội.
+ Ủy ban Khoa học kỹ thuật: là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quân ủy Trung ương về công tác nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ trong Quân đội; chỉ đạo hoạt động được phân công đối với các cơ quan, đơn vị trong quân đội.
+ Cục Hoạch định chiến lược: là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quân ủy Trung ương về công tác xây dựng, phát triển chiến lược quân sự, quốc phòng; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong quân đội triển khai chiến lược quân sự, quốc phòng vào thực tiễn.
+ Cục Cải cách và biên chế: là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quân ủy Trung ương về công tác cải tổ quân đội, xây dựng hệ thống biên chế, tổ chức lực lượng trong Quân đội; chỉ đạo hoạt động được phân công đối với các cơ quan, đơn vị trong quân đội.
+ Cục Hợp tác quân sự quốc tế: là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quân ủy Trung ương về công tác đối ngoại quân sự, quốc phòng; chỉ đạo hoạt động được phân công đối với các cơ quan, đơn vị trong quân đội.
+ Cục Thẩm tra kế hoạch: là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quân ủy Trung ương về công tác kiểm toán trong Quân đội; chỉ đạo hoạt động được phân công đối với các cơ quan, đơn vị trong quân đội.
+ Cục Quản lý sự vụ cơ quan Quân ủy Trung ương: là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quân ủy Trung ương về công tác đảm bảo cho hoạt động của các cơ quan thuộc Quân ủy Trung ương.
Về hệ thống các đơn vị đầu mối của quân đội: Cải tổ và thành lập 10 đầu mối, đơn vị
+ Quân chủng lục quân
+ Quân chủng Hải quân
+ Quân chủng Không quân
+ Quân chủng Tên lửa
+ Binh chủng Chi viện chiến lược.
+ Chiến khu Miền Bắc- Tư lệnh: Tống Phổ Tuyển (Nguyên Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh)- quản lý địa bàn các tỉnh là Cát Lâm, Hắc Long Giang, Sơn Đông, Liêu Ninh và Khu tự trị Nội Mông phụ trách phòng tuyến hướng Nga, Mông Cổ, Triều Tiên
+ Chiến khu Miền Đông- Tư lệnh: Lưu Việt Quân, (Nguyên Tư lệnh Quân khu Lan Châu)- quản lý địa bàn các tỉnh:  An HuyGiang Tô, Chiết GiangGiang TâyPhúc KiếnThượng Hải. Ngoài ra, vì Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không công nhận tính hợp pháp của chính quyền Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan nên về lý thuyết quân khu này bao gồm cả Tỉnh Đài Loan, phụ trách phòng tuyến hướng Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
+ Chiến khu Miền Nam- Tư lệnh: Vương Giáo Thành (Nguyên Tư lệnh Quân khu Thẩm Dương)- quản lý địa bàn các tỉnh Quảng ĐôngHồ NamHải Nam, Hương Cảng, Áo Môn, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, phụ trách phòng tuyến phía Nam, gồm hướng Việt Nam và vùng Đông Nam duyên hải Trung Quốc. 
+ Chiến khu Miền Tây- Tư lệnh: Triệu Tông Kỳ (Nguyên Tư lệnh Quân khu Tế Nam)- quản lý địa bàn các tỉnh: Trùng Khánh, Tứ XuyênKhu tự trị Tây Tạng; Tân CươngThanh HảiCam TúcNinh Hạ phụ trách phòng tuyến phía tây, hướng Ấn Độ. 
+ Chiến khu Trung tâm- Tư lệnh: Hàn Vệ Quốc (Nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh)- nắm địa bàn QK Bắc Kinh trước đây, quản lý địa bàn Bắc KinhThiên TânHà BắcSơn Tây, Sơn Đông, Hà Nam, Hồ Bắc, Thiểm Tây. Khu vực này chủ yếu chịu trách nhiệm bảo vệ thủ đô của Bắc Kinh và khu vực lân cận.
Hai là, cải tổ về phương thức điều hành và tổ chức hoạt động
Về cơ chế điều hành
Trong huấn luyện, mệnh lệnh sẽ đi trực tiếp từ Quân ủy Trung ương – Chiến khu, Quân, Binh chủng – Đơn vị thực hiện.
Trong tác chiến biên giới và nhiệm vụ tại chỗ, mệnh lệnh sẽ đi trực tiếp từ Quân ủy Trung ương – Chiến khu, Quân, Binh chủng – Đơn vị thực hiện.
Trong tác chiến ở nước ngoài, mệnh lệnh sẽ đi trực tiếp từ Quân ủy Trung ương – Ban tham mưu liên hợp chiến dịch (nếu có)– Đơn vị thực hiện.
Các cơ quan thuộc QUTW căn cứ mệnh lệnh của Quân ủy điều hành lực lượng phối hợp, chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo chức năng được phân công.
Về tư duy tác chiến: 
Chuyển từ quan điểm “đại lục quân” sang hợp đồng quân, binh chủng. Trước đây, lực lượng tác chiến lấy lực lượng lục quân là trung tâm, các quân binh chủng là phối thuộc; bộ tư lệnh là cơ quan chỉ huy. Nay, tùy theo phạm vi tác chiến mà xác định lực lượng trung tâm và ban tham mưu hỗn hợp là cơ quan chỉ huy, điều hành.
Mỗi chiến khu có tư lệnh chiến khu và 3 phó tư lệnh chuyên trách về lục quân, không quân và hải quân. Chiến khu Miền Bắc, Trung tâm, Miền Tây do phó tư lệnh chuyên trách lục quân kiêm tham mưu trưởng; Chiến khu Miền Đông do phó tư lệnh chuyên trách không quân kiêm tham mưu trưởng; Chiến khu Miền Nam do phó tư lệnh chuyên trách hải quân kiêm tham mưu trưởng.
Mỗi chiến khu có Chính ủy và 4 phó chính ủy, trong đó có 01 phó chính ủy chuyên trách và 03 phó chính ủy phụ trách 3 lực lượng (lục quân, không quân, hải quân).
Quá trình thực hiện nhiệm vụ của chiến khu do ban tham mưu liên hợp trực tiếp giúp tư lệnh chỉ huy, điều hành. Ban tham mưu liên hợp là tổ chức chỉ huy do lực lượng tham mưu của các quân chủng hợp thành. Trong huấn luyện, vai trò của các quân chủng bình đẳng; khi tác chiến tùy theo nhiệm vụ cụ thể để xác định lực lượng trung tâm.
Khi có nhiệm vụ tác chiến ở nước ngoài, Bộ tham mưu liên hợp sẽ thiết lập khung hệ thống chỉ huy; điều động lực lượng của các quân chủng và chiến khu tham gia tạo thành lực lượng tác chiến thực hiện nhiệm vụ.
Cơ chế mới đảm bảo tăng cường vai trò của QUTW, giảm vai trò của các cơ quan trực thuộc; đảm bảo hiệu lực của người chỉ huy đơn vị trực thuộc và rút ngắn thời gian truyền đạt, triển khai lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời cơ chế cũng đảm bảo tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh lực lượng thực hiện nhiệm vụ linh hoạt và cơ động hơn; đáp ứng nhu cầu tiến hành các cuộc xung đột cường độ thấp trên phạm vi toàn cầu trong thời gian ngắn nhất.
Ba là, tiếp tục cải tổ về cơ cấu và trình độ vũ khí, trang bị
Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng. Điều này chủ yếu là do nghiên cứu và phát triển được tăng cường đầu tư mạnh, lãnh đạo cấp cao sát sao hơn và được tiếp thu nhiều công nghệ tiên tiến của nước ngoài, đặc biệt là từ Nga.
Với ngân sách hàng năm gần 150 tỷ USD (công khai), Trung Quốc đang đầu tư, tập trung phát triển các chương trình hiện đại hóa toàn diện hệ thống vũ khí, trang bị: tàu chiến (cả tàu khu trục, đổ bộ, tàu ngầm và tàu sân bay); xe tăng thế hệ mới; tên lửa đạn đạo và phòng không, đối hải và mặt đất; máy bay thế hệ mới bao gồm cả tiêm kích, cường kích, trinh sát và lực lượng tác chiến không gian; nâng cao chất lượng và khả năng của lực lượng tác chiến điện tử, tác chiến mạng…
Năm 2015, Trung Quốc đã thành lập một ủy ban mới giúp cải cách và mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng đang trên đà phát triển, tồn tại song sang và hỗ trợ cho Ủy ban Khoa học và Công nghệ thuộc QUTW. Đó là Ủy ban chiến lược về phát triển khoa học - công nghệ - công nghiệp quốc phòng. Đây sẽ là cơ quan chính phủ phụ trách các chính sách công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc. "Ủy ban được thành lập nhằm tập hợp ý kiến góp ý, tư vấn từ lãnh đạo, chuyên gia trong các cơ quan và đơn vị dân sự-quân sự liên quan, cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ bên ngoài cho chiến lược phát triển, đổi mới công nghệ của ngành công nghiệp quốc phòng TQ".
III. TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC CẢI TỔ QUÂN ĐỘI TRUNG QUỐC
1. Tác động đối với môi trường quốc tế
Trung Quốc cải tổ quân đội sẽ có điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò, vị thế của Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UVTT HĐBALHQ) vào những vấn đề an ninh toàn cầu.
Tăng cường sức mạnh quân sự, cùng với tiềm lực kinh tế, Trung Quốc sẽ trở thành một cực đối trọng với tác động của Mỹ trong các vấn đề quốc tế, thúc đẩy xu thế đa cực và bình đẳng trên các diễn đàn và hoạt động của cộng đồng quốc tế.
Lực lượng quân sự mạnh lên cùng với công cụ kinh tế TQ có khả năng gia tăng ảnh hưởng lôi kéo, chia rẽ mối quan hệ giữa các nước Đông Bắc Á  và ASEAN, làm cho cộng đồng ASEAN rạn nứt, mất đi sức mạnh của một thể chế quan trọng ở khu vực trong các vấn đề quốc tế.
Từ những hoạt động quân sự ngày càng mạnh mẽ thực hiện ý đồ thống trị khu vực của Trung Quốc, đương nhiên các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền phải tăng cường vũ trang để tự vệ. Tình hình đó cũng buộc các quốc gia không trực tiếp tranh chấp chủ quyền lãnh thổ cũng phải tăng cường vũ trang tương xứng với các nước láng giềng. Từ đó, hình thành vòng xoáy chạy đua vũ trang không có điểm kết thúc, vô cùng tốn kém và nguy hiểm.
Kết hợp sức mạnh, ảnh hưởng về kinh tế với sức mạnh quân sự, Trung Quốc có điều kiện để thực hiện mưu đồ bành trướng về lãnh thổ, thiết lập cơ chế kiểm soát vùng trời, vùng biển tranh chấp; cơi nới, bồi đắp các thực thể, thậm chí sử dụng lực lượng quân sự để chiếm đóng các vị trí mới, phát triển thành hệ thống căn cứ quân sự trên biển chèn ép các nước láng giềng, gây mất ổn định khu vực.
3. Tác động đối với Việt Nam
Thuận lợi:
Cung cấp cho Quân đội ta những kinh nghiệm thực tiễn về cải cách, nâng cao sức mạnh chiến đấu. Trước sự biến đổi về trình độ vũ khí, trang bị và hình thái chiến tranh; hiện nay Quân đội ta cũng có nhu cầu rất lớn trong đổi mới tổ chức biên chế, vũ khí trang bị, phương thức tác chiến để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn cách mạng mới. Thực tiễn cải tổ quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ có thành công cũng như những hạn chế, không thành công. Đó là những bài học thực tiễn để chúng ta rút kinh nghiệm cả về nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức để không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng và sức mạnh chiến đấu của quân đội ta.
Khó khăn
Gia tăng sức ép đối với Việt Nam trong giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Cùng với kết quả cải tổ của quân đội Trung Quốc, nếu sức mạnh quân sự được nâng lên, những hoạt động quân sự để khẳng định chủ quyền trên Biển Đông sẽ ngày càng gia tăng. Lực lượng chấp pháp và kinh tế của Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông được lực lượng quân sự hỗ trợ sẽ ngày càng ngang ngược, tạo ra những va chạm, gây áp lực lớn hơn cho các lực lượng thực thi pháp luật và ngư dân Việ Nam trong quá trình làm việc và lao động, sản xuất trên biển. Điều đó làm tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước ngày càng căng thẳng và phức tạp.
Có thể gây ra những khó khăn lớn hơn trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hiểu biết và tin cậy với một số quốc gia trong khu vực. Mối quan hệ giữa Việt Nam với một số nước ASEAN (nhất là Lào và Campuchia) hiện nay rất phức tạp và nhạy cảm, có tác động trực tiếp đến tình hình an ninh và phát triển kinh tế của Việt Nam, tính thống nhất đồng thuận của khối ASEAN. Trung Quốc sử dụng mối quan hệ về kinh tế, quân sự lôi kéo các nước không có tranh chấp lãnh thổ một cách lộ liễu, trực tiếp (Campuchia, Lào, Mianma, Singapo). Những hành động đó đã tác động nhất định đến lập trường của chính phủ các nước trên một số vấn đề thiếu đồng thuận với quan điểm của ta; tạo dư luận xã hội của địa phương sở tại không ủng hộ doanh nghiệp, người dân Việt Nam đến làm ăn. Tạo ra xung đột với công dân Việt Nam; tổ chức những hành vi quá khích liên quan đến vấn đề biên giới, lãnh thổ (Campuchia)...
Không loại trừ trường hợp trong tương lai gần Trung Quốc gây ra tình hình bất ổn trên Biển Đông với những biểu hiện cụ thể:
Một là, tăng cường hoạt động quân sự chống lưng cho lực lượng chấp pháp, dân sự; hiện diện, ngấm ngầm kiểm soát, thao túng khu vực vùng trời, vùng biển trên Biển Đông.
Hai là, tăng cường lực lượng quân sự trên các đảo và thực thể đã được bồi đắp trên Biển Đông tạo thành hệ thống các căn cứ quân sự phục vụ cho hoạt động của lực lượng quân sự và dân sự trên biển.
Ba là, thiết lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông, gia tăng sức ép đối với các nước, nhất là những nước trực tiếp có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền ở khu vực này.
Bốn là, chủ động vận động tạo thời cơ đẩy mạnh hoạt động quân sự gây sức ép, khiêu khích vũ trang và những hành động cực đoan, quá khích khác.
* Lưu ý
Việc cải tổ Quân đội Trung Quốc là công việc nội bộ của Trung Quốc tất yếu diễn ra nhằm phục vụ mục tiêu và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việc cải tổ, tăng cường sức mạnh của quân đội Trung Quốc tạo điều kiện để TQ phát triển ảnh hưởng về quân sự trên trường quốc tế. Có sự hậu thuẫn về sức mạnh quân sự, những quan điểm mang màu sắc của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bất chấp luật pháp quốc tế sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn.
Sự chỉ đạo của Lãnh đạo TQ và chiến lược quân sự triển khai có nguy cơ trở thành những nhân tố bất ổn đối với hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Những nước trực tiếp tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc; lực lượng quân sự Mỹ sẽ là đối tượng đầu tiên mà lực lượng quân sự Trung Quốc gây sức ép, đối đầu.
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và vận dụng hết sức linh hoạt trong việc xác định đối tượng, đối tác với từng sự việc, phát ngôn và hành động của Trung Quốc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét