Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

BỒI DƯỠNG “KỸ NĂNG MỀM” GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC
TOÀN DIỆN CỦA HỌC VIÊN ĐÀO TẠO CÁN BỘ CHÍNH TRỊ CẤP PHÂN ĐỘI  Ở TRƯỜNG SĨ QUAN CHÍNH TRỊ HIỆN NAY


                                                                                                Minh Nhân

Những năm gần đây, trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, thuật ngữ “Kỹ năng mềm” (Soft skills) được sử dụng tương đối phổ biến và nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học, quản lý và các trường đại học. Kỹ năng mềm  là một thuật ngữ xã hội học chỉ những kỹ năng có liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ, thái độ và hành vi ứng xử, giao tiếp giữa người với người; là những kỹ năng có liên quan đến việc hòa nhập vào cuộc sống xã hội, tương tác với xã hội, cộng đồng, tập thể hoặc tổ chức. Khác với “kỹ năng cứng” (Hard skills) được chứng nhận bằng bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, hình thành chủ yếu thông qua giáo dục, đào tạo với những nội dung, chương trình, giáo trình… cụ thể; “kỹ năng mềm” có thể không nằm trong chương trình đào tạo của các nhà trường, cũng có thể không liên quan trực tiếp đến kiến thức chuyên môn của người học. Tuyệt đại đa số các nghiên cứu của các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng “kỹ năng mềm” quyết định tới 75% sự thành công trong cuộc sống của mỗi người (trong khi “kỹ năng cứng” chỉ đóng góp 25% vào sự thành công). Vì vậy, hầu hết các nhà khoa học, quản lý và các trường đại học đều coi bồi dưỡng ‘kỹ năng mềm” cho sinh viên là việc làm đặc biệt quan trọng góp phần phát triển năng lực toàn diện cho người học, là cơ sở đảm bảo để người học có thể “học tập suốt đời” và có khả năng thích ứng với mọi điều kiện, hoàn cảnh, vận dụng kiến thức đã học ở nhà trường vào giải quyết tốt các vấn đề do thực tiễn đặt ra. Thậm trí, có quan điểm còn cho rằng trang bị “kỹ năng mềm” là trang bị kiến thức, kỹ năng “trên chuẩn”, “vượt chuẩn” so với chuẩn đầu ra của các nhà trường.
Hiện nay, các “kỹ năng mềm” thường được quan tâm đến là: sự tự tin, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng tiếp nhận thông tin và học hỏi thường xuyên, kỹ năng thiết lập và thực hiện mục tiêu, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng thuyết phục và lôi kéo người khác…. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rằng, “kỹ năng mềm” dù có sự tương đồng nhưng không phải “bất biến” với tất cả các đối tượng. Có những kỹ năng được coi là “mềm” với đối tượng này lại (phải) là kỹ năng “cứng” của đối tượng khác - Ví dụ như kỹ năng thuyết trình được coi là kỹ năng mềm của hầu hết sinh viên các trường đại học lại là kỹ năng bắt buộc của học viên đào tạo cán bộ chính trị ở Nhà trường.
Trong những năm gần đây, hòa nhập với xu thế chung của giáo dục đại học quốc dân, Nhà trường đã quan tâm bồi dưỡng “kỹ năng mềm” cho học viên. Dù chưa có một chương trình, kế hoạch cụ thể, song việc xác định các “kỹ năng mềm” cần thiết và tổ chức bồi dưỡng “kỹ năng mềm” cho học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội đã được quan tâm và tổ chức tiến hành với nhiều nội dung, hình thức. Hàng năm, thông qua các đợt kiểm tra thực tập, khảo sát thực tiễn… Nhà trường luôn kết hợp tìm hiểu những mặt yếu, thiếu, hổng của học viên so với yêu cầu thực tiễn của đơn vị (trong đó có cả “kỹ năng mềm”), trên cơ sở đó chỉ đạo tăng cường tổ chức các hoạt động huấn luyện bổ trợ, hoạt động ngoại khóa, các hoạt động tập thể, giao lưu, thông tin chuyên đề…. để bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực, “kỹ năng mềm” cho học viên. Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, việc bồi dưỡng “kỹ năng mềm” cho học viên ở Nhà trường cũng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập: một bộ phận không nhỏ học viên chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò, thiếu chủ động trong học tập, rèn luyện ‘kỹ năng mềm”; đội ngũ cán bộ, giảng viên chưa mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy và công tác để góp phần bồi dưỡng, rèn luyện “kỹ năng mềm” của học viên; việc phối hợp giữa các lực lượng trong tiến hành bồi dưỡng “kỹ năng mềm” cho học viên chưa thật sự chặt chẽ, nội dung, hình thức, biện pháp bồi dưỡng chưa toàn diện và đồng bộ.
Quán triệt quan điểm Đại hội XII về giáo dục – đào tạo, để thiết thực góp phần thực hiện chủ trương “Chuyển từ trang bị kiến thức là chủ yếu sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của người học”[1] việc bồi dưỡng “kỹ năng mềm” cho học viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trước hết cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau đây:
Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong bồi dưỡng kỹ năng mềm góp phần phát triển năng lực toàn diện của học viên
Với một bộ phận không nhỏ cán bộ, giảng viên, học viên “kỹ năng mềm” còn là một khái niệm tương đối mới mẻ. Vì vậy, để nâng cao trách nhiệm trong bồi dưỡng kỹ năng mềm cho học viên, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò của kỹ năng mềm trong hoàn thiện nhân cách, phát triển năng lực toàn diện của học viên.
Đối với học viên, phải tuyên truyền, giáo dục để học viên có nhận thức đúng đắn về con đường hình thành kỹ năng mềm; làm cho học viên có nhận thức sâu sắc rằng để hình thành kỹ năng mềm là quá trình học tập rèn luyện thường xuyên, liên tục, lâu dài, mọi lúc, mọi nơi, mọi điều kiện, hoàn cảnh. Mỗi người phải tự học, tự thực hành, rèn luyện để có được những kỹ năng trở thành những phản xạ bản năng trước các tình huống của cuộc sống. Phải triệt để khắc phục tâm lý “học tủ”, “học gạo”, học vì điểm số; chỉ coi trọng học tập kiến thức trong nội dung, chương trình đào tạo chính khoá hay hay tách rời, biệt lập giữa học tập với rèn luyện để phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện.
Đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên phải quán triệt, tuyên truyền, giáo dục làm rõ quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diên giáo dục, đào tạo, nhất là quan điểm chuyển từ trang bị kiến thức là chủ yếu sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của người học. Quá trình dạy học, quản lý và tổ chức các hoạt động ở đơn vị cùng với trang bị kiến thức cho học viên phải tăng cường trang bị kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng tự học tập, rèn luyện, cập nhật thông tin, kiến thức giúp cho học viên có khả năng tự học tập, rèn luyện thường xuyên, suốt đời và có khả năng thích ứng với mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Hai là, quan tâm nghiên cứu làm rõ “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm” cần thiết, gắn kết chặt chẽ với thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo mục tiêu đào tạo của học viên
Không một nhà trường đại học nào có thể trang bị cho học viên tất cả mọi kiến thức, kỹ năng. Mặc dù đã tích cực đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, nhưng việc học viên còn thiếu, hổng một số kiến thức, kỹ năng trong tổ chức các hoạt động ở đơn vị là không thể tránh khỏi. Mặt khác, do nhiều nguyên nhân, ngay cả những kiến thức, kỹ năng học viên đã được học tập tại trường cũng có thể có sự khác biệt, không phù hợp với thực tiễn đa dạng phong phú ở đơn vị cơ sở. Vì vậy, phải trang bị cho học viên “kỹ năng mềm” để có thể thích ứng với mọi điều kiện, hoàn cảnh của đơn vị để có thể tiến hành các hoạt động, các nhiệm vụ đạt kết quả cao nhất theo chức trách, nhiệm vụ. Muốn vậy, cần tăng cường quan hệ với các cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn nhân lực do Nhà trường đào tạo để phát hiện những “lỗ hổng” về kiến thức, kỹ năng của cán bộ, học viên do nhà trường đào tạo. Phân loại làm rõ những “lỗ hổng” đó thuộc về “kỹ năng cứng” hay “kỹ năng mềm”. Đối với những kiến thức, kỹ năng cơ bản, có tính ứng dụng phổ biến ở tất cả các cơ quan, đơn vị phải coi là thiếu, hổng kiến thức, “kỹ năng cứng” và phải được sửa đổi, bổ sung trong nội dung, chương trình đào tạo, kế hoạch đề bài theo kế hoạch hàng năm cho các đối tượng. Đối với những kiến thức, kỹ năng có tính cá biệt, đặc thù của từng đơn vị, từng hoàn cảnh… là “kỹ năng mềm” cần xác định nội dung, hình thức, biện pháp bồi dưỡng phù hợp.
Đôị ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường, trong quá trình thực tế, khảo sát tại các cơ quan, đơn vị cần quan tâm tìm hiểu, tổng hợp và chủ động báo cáo, đề xuất với khoa, cơ quan chức năng và Nhà trường. Các cơ quan chức năng mà chủ yếu và trước hết là Phòng Đào tạo, Phòng Chính trị và Ban Khảo thí & ĐBCLGD-ĐTcần tăng cường chỉ đạo, tổ chức các đoàn thăm quan, kiểm tra, khảo sát, trao đổi với các cơ quan, đơn vị để làm rõ những thiếu hổng về kiến thức, kỹ năng của học viên để tham mưu đổi mới nội dung. chương trình, tổ chức đào tạo và các hoạt động ngoại khoá, huấn luyện bổ trợ bồi dưỡng “kỹ năng mềm” cho học viên sát với đòi hỏi thực tiễn của các đơn vị.
Ba là, đổi mới phương pháp quản lý, dạy học và đánh giá kết quả học tập, quan tâm bồi dưỡng “kỹ năng mềm” của học viên
Quản lý các hoạt động dạy, học cần bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định nhưng linh hoạt, mềm dẻo để nhanh chóng trang bị, cập nhật cho người học những kiến thức mới, những kỹ năng cần thiết theo yêu cầu của thực tiễn. Khi xây dựng chương trình khung đào tạo cho các đối tượng cần xây dựng quỹ thời gian cơ động dành cho huấn luyện bổ sung, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. Quá trình dạy học tăng cường vận dụng các hình thức, phương pháp dạy học hiện đại, kích thích tính tích cực, tự giác của học viên; chú trọng bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng tìm kiến thông tin, kiến thức mới, phương pháp tự học tập, rèn luyện để học viên có khả năng tự học tập, rèn luyện thường xuyên, suốt đời trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Quan tâm tổ chức các hoạt động ngoại khoá, tổ chức các sự kiện, hoạt động tập thể ở đơn vị, tạo điều kiện để học viên tham gia nhiều nhất trong điều kiện có thể để rèn luyện kỹ năng tổ chức các hoạt động thực tiễn. Đối với hoạt động tự học của học viên cần chỉ đạo đa dạng hoá các nội dung, hình thức tự học, nhất là với các hình thức mang tính chất tập thể như toạ đàm, trao đổi, thảo luận và thực hành, thực tập. Quan tâm đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để học viên có điều kiện tiếp cận, tìm kiếm thông tin, kiến thức mới thông qua sách, báo, tài liệu tham khảo và Internet để rèn luyện phương pháp, kỹ năng tự học tập, rèn luyện những kiến thức, phẩm chất cần thiết theo mục tiêu mỗi cá nhân đã xác định.
Đối với đánh giá kết quả học tập, rèn luyện cần chú trọng hơn nữa việc đánh giá về tính sáng tạo trong giải quyết vấn đề; khả năng diễn thuyết, vận dụng những kiến thức, cách thức sử dụng kiến thức, số liệu của các môn học và thực tiễn; sức thuyết phục trong lập luận, trình bày, giải quyết vấn đề của học viên. Đặc biệt, phải thực hiện tốt quy định về kiểm tra, đánh giá năng lực thực hành của học viên qua từng năm học theo quy trình đào tạo - Trong đó đã tích hợp các kỹ năng mềm cơ bản, cần thiết của các đối tượng đào tạo của Nhà trường.
Bốn là, mở rộng hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng “kỹ năng mềm” phát triển năng lực toàn diện cho học viên
Mở rộng hợp tác trong đào tạo là xu hướng trong đào tạo đại học, là nội dung, biện pháp đặc biệt quan trọng trong bồi dưỡng kỹ năng mềm cho học viên trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, như đã đề cập ở trên, “kỹ năng mềm” thường là những kỹ năng không nằm trong chương trình đào tạo của các nhà trường, nhưng có thể với một kỹ năng cụ thể nào đó lại là nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo của một trường đại học chuyên ngành. Thực tế gần đây Nhà trường đã quan tâm hợp tác với các cơ quan, học viện ngoài Nhà trường để bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, học viên với các hình thức nói chuyện chuyên đề, thông tin khoa học… Tuy nhiên các hoạt động này chưa tổ chức được nhiều và chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đòi hỏi bồi dưỡng “kỹ năng mềm” cho cán bộ, học viên trong giai đoạn hiện nay.
Các cơ quan, khoa giáo viên cần chủ động nghiên cứu những kiến thức, kỹ năng cần thiết của cán bộ, giảng viên, học viên còn thiếu, hổng so với đòi hỏi của thực tiễn; thế mạnh của các trường, các cơ sở nghiên cứu khoa học, tham mưu cho Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường cử cán bộ đi học tập, nghiên cứu, tham gia các khoá bồi dưỡng ngắn hạn, tập huấn ở các nhà trường làm cơ sở để chủ động tổ chức các hoạt động bồi dưỡng kỹ năng mềm cho cán bộ, giảng viên, học viên. Tăng cường hợp tác với các nhà trường trong các hình thức nói chuyện chuyên đề, thông tin khoa học, trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các hoạt động giao lưu, hoạt động tập thể… đặc biệt, với các hoạt động tập thể, các hội thi cần chủ động tìm hiểu, trao đổi học tập kinh nghiệm; phối hợp, mời lực lượng của các nhà trường có thế mạnh tham dự để học tập thêm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng trong tổ chức các hoạt động góp phần bồi dưỡng kỹ năng mềm và năng lực, phẩm chất toàn diện cho học viên./.



[1] Nghị quyết số 29- NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013, Hội nghị BCHTƯ 8 (khoá XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu  công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hưỡng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét